Lật cánh sang phía Tây, xuyên qua nhưng cánh rừng đại ngàn của 7 tỉnh Trung và Nam Lào, tiếp tục mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam, phần đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Lào đã trở thành biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt –Lào, của tình hữu nghị đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước. Đã có các nhân chứng từng một thời gắn bó với con đường này trên đất Lào.
Vận chuyển hàng ra mặt trận ở Đường Tây Trường Sơn. - Ảnh tư liệu: Internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với những người Lào từng gắn bó cả tuổi thanh xuân với cuộc chiến đấu trong hàng ngũ Pathet Lào thì những địa chỉ như Bản Đông, Sê-pôn, Mường-phìn, Mường-Nọng, rồi Đường 9 Nam Lào… là những mảng ký ức khó phai mờ khi nghĩ về cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng nồng nàn tình cảm anh em đồng chí với bộ đội, thanh niên xung phong Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn.
Cụ Kẹo la Chăn xỉ na – 84 tuổi, người nhiều năm hoạt động ở Savanakhet, từng kề vai sát cánh với bộ đội Việt Nam chiến đấu ở bản Đông Sê pôn, Mường Phìn…bảo vệ sự an toàn cho tuyến đường Tây Trường Sơn qua các tỉnh Trung và Nam Lào, xây dựng chính quyền vùng giải phóng, không thể quên những năm tháng gian khổ hạt muối cắn đôi, bát cơm xẻ nửa trên tinh thần liên minh chiến đấu Việt- Lào. Cụ nói: “Ý nghĩa của đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh rất lớn lao đối với cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam. Nó phục vụ thiết thực cho chiến trường giải phóng miền Nam của Việt Nam. Qua đó gắn chặt mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa quân đội và cách mạng hai nước Việt - Lào. Nếu không có hệ thống đường chi viện từ miền Bắc vào như vậy thì việc giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ hết sức khó khăn và chưa chắc đã giành được chiến thắng to lớn và nhanh chóng như vậy”.
Cửa ngõ vào thành phố Savanakhet trên Đường 9 |
Nhớ lại một thời đi trên những con đường mòn xuyên rừng do bộ đội Việt Nam mở sang Việt Nam học tập, rồi trở về chiến đấu ở quê nhà, ông Vilayvan Phomkhe, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông -Lâm Lào, nguyên Bí thư- Tỉnh trưởng Savanakhet vô cùng khâm phục tinh thần anh dũng, trí sáng tạo của đội quân vận chuyển hàng tiếp viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đó là con đường thiên biến vạn hóa, không dưới 20 nhánh, gồm đường ô tô, đường gùi thồ, đường liên bản, đường sông như Sê-Pôn, Sê-păng-hiêng… Máy bay địch đánh chỗ này thì chuyển sang đường khác; không đi bộ được thì đi thuyền…dù là hình thức nào thì đều thuộc hệ thống đường Tây Trường Sơn. Đường đi đến đâu là ở đó người Lào có cuộc sống mới. Bộ đội Việt Nam giúp dân sản xuất, giúp cách mạng Lào tổ chức chính quyền, đào tạo cán bộ cơ sở.
Nhờ đường Trường Sơn mà Việt Nam làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, cách mạng Lào cũng nhanh chóng giành được chính quyền về tay nhân dân mà không tổn thất nhiều. Ông Vilayvan Phomkhe cho biết: “Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất là lớn. Thứ nhất là giải phóng được miền Nam hoàn toàn. Thứ hai là từ tác động của chiến thắng 30-4 đấy mà Lào cũng giải phóng nhanh, giành được chính quyền. Thật sự nếu không có sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam thì Cách mạng Lào cũng khó đấy. Biết rằng thành công thì phải mất nhiều sức người sức của, mất nhiều xương máu. Nhưng không biết là lúc nào. Đường HCM qua đây được nhiều mặt, nhất là xây dựng chính quyền cơ sở. Lúc chúng tôi tiếp quản, phải nhờ lực lượng cán bộ từ vùng giải phóng cũ xuống giúp xây dựng chính quyền cho vùng giải phóng mới”.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ ân tình nhân dân Lào đã dành cho khi tự nguyện dời nhà cửa, bỏ nương rẫy lùi sâu vào rừng để con đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn vươn dài khắp 7 tỉnh từ Trung đến Nam Lào, để hàng triệu tấn hàng từ miền Bắc theo những đoàn xe vận tải, theo vai thanh niên xung phong vào tận miền Nam phục vụ chiến trường. Nhân dân Lào cũng rất hạnh phúc và tự hào khi được đóng góp một phần công sức giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thắng lợi. Cũng là giúp cho Cách mạng Lào hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Tượng đài quân tình nguyện Việt Nam trên Đường 9 |
Hôm nay đến Bản Đông, Sê-pôn, Mường-phìn, Mường-Nọng, đường 9 Nam Lào gợi nhớ trận chiến khốc liệt mấy mươi năm trước giữa bộ đội ta với quân viễn chinh Mỹ, nay đã là con đường thênh thang chạy giữa những miền quê trù phú, những nông trường, trang trại cao su, cà phê xanh mướt.
Vẫn còn đó dấu tích của những binh trạm, kho tàng, bệnh viện, trạm xá… của liên quân Việt- Lào; Vẫn còn đây những tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào sừng sững bên nhau, hiên ngang trên những xác pháo, xe tăng, máy bay một thời máu lửa. Nhưng đường 9 bây giờ đã là con đường huyết mạch trên Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối các tỉnh đông bắc Thái Lan, Trung - Nam Lào với cửa ngõ miền Trung Việt Nam, con đường đánh thức tiềm năng, thế mạnh của những vùng đất đau thương và anh dũng ngày nào vượt lên gian khó đi tới tương lai.