Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) tham dự tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị - Ảnh: Minh Long/VOV |
Việt Nam đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững có tính đến các yếu tố mới nảy sinh, như: tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Điều này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại phiên họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu, diễn ra hôm qua, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đảm bảo an ninh lương thực thời gian qua đã góp phần giúp Việt Nam giảm nghèo bền vững đồng thời nông nghiệp cũng được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với sự hỗ trợ của các Tổ chức của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và nhà tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm”; xây dựng “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp” và đang triển khai thực hiện “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ”, thí điểm tính toán "dấu chân carbon" cho chuỗi sản xuất lúa gạo, cà phê, thanh long và tôm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Để chuyển đổi thành công hệ thống lương thực, thực phẩm, rất cần sự đồng hành hỗ trợ của các nhà tài trợ, các đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu các khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân và người dân… để cùng chung tay vào sứ mệnh chuyển đổi lương thực. thực phẩm thích ứng với xu thế chung của toàn cầu hiện nay".