Bình đẳng giới cần sự nhận thức, quyết tâm và chính sách

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Bình đẳng giới giúp cho phụ nữ có điều kiện vươn lên khẳng định mình trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 được bắt đầu từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 với chủ đề: “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Đặc biệt, dịch COVID-19 tác động không nhỏ tới cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi cần sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Nghe âm thanh tại đây:
Bình đẳng giới giúp cho phụ nữ có điều kiện vươn lên khẳng định mình trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, việc làm, tham gia điều hành, quản lý trong các tổ chức, doanh nghiệp…Phụ nữ có điều kiện học hỏi, tiếp cận khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất mới. Dịch COVID-19 tác động và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ càng lớn thì việc quan tâm,  tạo điều kiện và hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái càng cần nhiều hơn. Bà Lương Ngọc Trâm, thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, ủy viên đoàn chủ tịch Hội LHPNVN chia sẻ:“Không có dịch COVID thì nâng cao năng lực cho cán bộ hội phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận khoa học công nghệ, đã là chương trình hành động chính của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thời gian sắp tới. Kết quả này vô cùng quan trọng  đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực và yếu thế. Trong giai đoạn COVID thì chúng tôi xác định và nhận thức được rằng là sẽ ảnh hưởng quan trọng nhiều hơn”.
 Bình đẳng giới cần sự nhận thức, quyết tâm và chính sách - ảnh 1

Bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao phát biểu  về bình đẳng giới. Ảnh: Mạnh Quân/tcnn.vn

Giúp đỡ phụ nữ không chỉ làm tròn trọng trách trong gia đình như làm vợ, làm mẹ, mà còn hỗ trợ họ tham gia phát triển kinh tế, vào mọi mặt của đời sống xã hội. Từ đó,  vai trò, vị thế của phụ nữ được nâng lên, khẳng định được quyền bình đẳng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về giới, kinh tế không đóng vai trò tiên quyết trong việc tạo nên bình đẳng giới, mà để hướng tới mục tiêu bình đẳng đòi hỏi sự nhận thức của mỗi người cũng như việc cụ thể hóa bằng chính sách. Tiến sĩ Khuất Thu  Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới cho biết:“Chúng ta biết trên thế giới có nhiều nước rất giàu, nhưng chỉ số bình đẳng giới của họ so với Viêt Nam thấp hơn rất nhiều. Bình đẳng giới không chỉ phụ thuộc vào phát triển kinh tế, mà nó còn phụ thuộc vào nhận thức, phụ thuộc vào quyết tâm, vào chính sách và đường lối lãnh đạo của đất nước đó và cách người ta nhìn nhận vào ý nghĩa của bình đẳng giới ở chỗ nào. Tôi nghĩ rằng, phát triển kinh tế rất quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định dẫn đến bình đẳng giới”.

 Bình đẳng giới cần sự nhận thức, quyết tâm và chính sách - ảnh 2Thứ tưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. 

kinhtexaydung.petrotimes.vn

Bất bình đẳng và bạo lực giới mà phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm người thường phải chịu và dễ bị tổn thương, thể hiện ở nhiều lĩnh vực như di cư, kết hôn, bạo lực giới trong gia đình…Điều này đòi hỏi cần sự quan tâm nhiều hơn của các ngành, các cấp, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nêu cao vai trò của mình phối hợp với cộng đồng quốc tế đảm nhận các hành động vì phụ nữ và trẻ em. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết:“Hội LHPNVN phối hợp với các đối tác quốc tế để hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến phụ nữ di cư, kết hôn quốc tế, bảo hộ công dân. Đặc biệt, chúng tôi đầu tư rất nhiều chương trình phối hợp với Bộ bình đẳng giới và gia đình của Hàn Quốc để giải quyết những vấn đề liên quan tới cô dâu Việt. Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm tới các hoạt động hợp tác quốc tế, các nghiên cứu  để áp dụng kinh nghiệm của phụ nữ các nước đề xuất chính sách phù hợp hơn với Hội LHPNVN”.

 Bình đẳng giới cần sự nhận thức, quyết tâm và chính sách - ảnh 3

TS Khuất Thu Hồng trao đổi với đại diện Sứ quán Australia tại Việt Nam bên lề hội thảo. Ảnh: phunumoi.net.vn

Là những nhóm dễ bị tổn thương và cần sự quan tâm, nhưng phụ nữ lại là những người có sức chịu đựng lớn, dám vượt khó bằng quyết tâm của mình. Đại dịch COVID-19 đã minh chứng rằng, càng trong gian nan, thử thách, phụ nữ càng khẳng định được giá trị của mình. Phụ nữ tham gia vào mọi mặt của cuộc chiến chống dịch và chứng tỏ bản lĩnh nắm bắt cơ hội trong khó khăn. Đó cũng chính là điểm mạnh để mỗi phụ nữ có thể vươn lên khi có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Ông Nguyễn Minh Vũ, thứ trưởng Bộ ngoại giao cho rằng:“Qua đại dịch COVID-19 vừa qua, sức ép đối với phụ nữ càng lớn thì sức bật, sức chịu đựng và vượt lên khó khăn của phụ nữ càng mạnh, nâng cao năng lực chuyên môn, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp, trau dồi kiến thức nghề nghiệp để phát triển bản thân, tăng cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong nhiều lĩnh vực. Ngành ngoại giao xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là huy động tổng lực toàn ngành, đóng góp vào mục tiêu phát triển, nhằm đóng góp vào nỗ lực chung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ”.

Việc nam đã hưởng ứng và cam kết thực hiện các mục tiêu  phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó chú trọng đảm bảo công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái trên lĩnh vực kinh tế, giáo dục, việc làm….Để đạt được mục tiêu này, phụ nữ và trẻ em gái cần phải nhận thức tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình, hiểu và nhận thức tốt các chính sách và luật pháp về bình đẳng giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu