Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - “Báo cáo Tổng quan về bình đằng giới được hoàn thiện khi Việt Nam đang ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ tư trên cả nước. 

Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) vừa công bố báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021. Thông qua các bằng chứng và số liệu liệu cụ thể, báo cáo phân tích chuyên sâu tiến độ thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các rào cản đang làm cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 1Lần đầu tiên có một  báo cáo tổng quất về bình đẳng giới được thực hiện tại Việt Nam. Ảnh chụp mành hình

Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trên các lĩnh vực. Trong đó, theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, kết quả nổi bật nhất về Bình đẳng giới của Việt Nam là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội: “Căn cứ vào xếp hạng của các tổ chức quốc tế lớn, năm 2021,Việt Nam xếp thứ 31 về cơ hội kinh tế. Điều này phản ánh rằng phụ nữ Việt Nam tham gia vào hoạt động kinh tế rất nhiều. Khoảng 70 % phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Có thể nói phụ nữ Việt Nam tham gia vào mọi hoạt động kinh tế xã hội từ những lĩnh vực thường dành cho nam giới. Đó là cơ hội rất tốt giúp khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ. Tôi tin rằng, nếu phụ nữ được thực sự khuyến khích hơn nữa, được san sẻ bớt gánh nặng gia đình, được ghi nhận hơn nữa, được hỗ trợ bởi các dịch vụ xã hội....thì phụ nữ Việt Nam sẽ đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn rất nhiều nữa cho sự phát triển chung của đất nước".

Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 2Các đại biểu tham dự lễ công bố Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021. Ảnh Hà Linh
Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 3Thảo luận bàn tròn về các vấn đề giới trọng tâm trong báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới tại Việt Nam năm 2021. Ảnh Hà Linh

Chính vì thế, để giúp giữ vững những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới, lần đầu tiên Việt Nam có một báo cáo tổng quát về bình đẳng giới, được thực hiện bởi cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN), chính phủ Australia cùng với sự tham gia của Ngân hàng phát triển châu Á  ADB) và Tổ chức lao động quốc tế ILO. Cùng với đó, báo cáo còn có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chính phủ như Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cùng nhiều chuyên gia độc lập đến từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Thông qua các bằng chứng và số liệu liệu cụ thể, Báo cáo phân tích chuyên sâu tiến độ thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam dựa trên các chỉ số kinh tế-xã hội, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các rào cản đang làm cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm các chỉ tiêu liên quan tới bình đẳng giới.

Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 4Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam. 

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nhận định: “Cùng với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt đầu năm 2021, tôi rất tự hào nói rằng, Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021 được xây dựng làm cơ sở để xây dựng chiến lược quốc gia lần thứ 2 về bình đẳng giới, đồng thời là báo cáo tạm thời của Việt Nam trong thực hiện tiến trình các mục tiêu phát triển bền vững. Với Liên hợp quốc tại Việt Nam, báo cáo là nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ lồng ghép về giới trong quá trình chuẩn bị khung hợp tác phát triển bền vững giai đoạn tới 2021-2027. Tôi hi vọng rằng, Báo cáo được xem như kim chỉ nam hữu ích để giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua lăng kính về giới có trách nhiệm tại VIệt Nam”

Dựa trên những tiêu chí liên quan đến các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam phân tích 9 vấn đề trọng tâm như: bình đẳng trong phát triển con người, trong lãnh đạo chính trị, trong an toàn, an ninh, trong thời kỳ phát triển hội nhập…Cùng với đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị thay đổi trên phạm vi rộng, trong đó nêu bật 3 lĩnh vực hành động chính gồm ; Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới; giải quyết các rào cản cơ bản đối với bình đẳng giới và thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thập niên tới.

Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 5Từ phải qua trái: ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam, Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie tại buổi lễ. Ảnh Hà Linh

Đánh giá cao tiến bộ về bình đẳng giới ở Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp ngày càng hiệu quả của phụ nữ trong đời sống xã hội, kể từ 5 năm gần đây, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ về bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hoạt động của ADB trong chiến lược toàn khu vực 2023: “Về phía ADB, điều quan trọng là chúng tôi cần phải gắn những cam kết về bình đẳng giới với những nỗ lực chính phủ nhằm giải quyết vấn đề về khoảng cách giới, đẩy nhanh những tiến độ  về bình đẳng giới là một trong 7 ưu tiên trong các lĩnh vực hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam, chẳng hạn như môi trường, phát triển đô thị, nông thôn, BĐKH, nông nghiệp...ADB đóng góp tài trợ cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ dễ tiếp cận hơn, giá cả phải chăng và an toàn hơn cho người dùng và người thụ hưởng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các đối tác phát triển để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”.

Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 6 Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Với tư cách là đối tác chính thực hiện bản báo cáo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie tin tưởng rằng, thời gian tới chính phủ Australia sẽ đưa ra được những chính sách, khuyến nghị phù hợp trong hoạt động hợp tác với ViệtNam: “Đối với Australua,16 khuyến nghị chính trong báo cáo thể hiện vị trí trọng tâm của quan hệ đối tác về bình đẳng giới của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam và cách mà Chính phủ Australia có thể hỗ trợ các nhóm gặp bất lợi phức tạp và đan xen.,Đó là những khuyến nghị liên quan đến cơ hội hỗ trợ các nhóm phụ nữ, trẻ em gái đang bị ảnh hưởng bởi  dịch Covid-19, tập trung chiến lược cho các khoản tài trợ hỗ trợ bình đẳng giới như giáo dục, nông nghiệp, nhằm giảm bớt những định kiến hay khuôn mẫu về giới ở Việt Nam”

Báo cáo tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 - ảnh 7Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie
“Báo cáo Tổng quan về bình đằng giới được hoàn thiện khi Việt Nam đang ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ tư trên cả nước. Theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam và làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới trên thị trường lao động.
Vì thế, vào thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi từ kinh tế, đây chính là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng hơn, bằng cách đưa bình đẳng giới trở thành vấn đề cốt lõi của các nỗ lực phục hồi và thực hiện các chiến lược đáp ứng giới".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu