Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Huyện Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nếu như trước đây, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là nơi hoạt động tôn giáo phức tạp, xảy ra hiện tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật thì nay hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã đi vào nề nếp, cơ bản ổn định. Các tín đồ chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - ảnh 1 Công an huyện Mường Nhé đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không tin, nghe theo kẻ xấu, đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư. – Nguồn: Báo Điện Biên Phủ.

Mường Nhé là huyện vùng cao có đường biên giới giáp với Trung Quốc và Lào, dân số hơn 90% là người dân tộc thiểu số. Lợi dụng đời sống của bà con người dân tộc Mông còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, người dân trên địa bàn sinh sống không tập trung, một số đối tượng xấu ở nước ngoài kết cấu với các phần tử phản động trong nước tuyên truyền 2 tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Đây là hình thức biến tướng lợi dụng giáo lý đạo Tin lành đã xuyên tạc Kinh thánh, dụ dỗ, lôi kéo một số người dân “nhẹ dạ cả tin” tham gia thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và của chính những nhóm đạo hoạt động chân chính, lành mạnh nên đông đảo người dân, tín đồ đã nhận rõ được bản chất thâm độc, đen tối của hai tà đạo này.

Anh Vàng A Sình, dân tộc Mông, bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, kể lại: “Giê Sùa, Bà cô Dợ lừa đảo, mình quá hiểu, không theo, không vào. Mọi người đừng nghe tà đạo Giê Sùa và bà cô Rợ lôi kéo, gây cho mình điều xấu, cuộc sống không ổn định. Chính quyền, các cơ quan chức năng đảm bảo cuộc sống ổn định cho mình nên mình cố gắng phấn đấu làm tốt theo chính sách nhà nước. Bà con thấy hiện tượng đó báo cho cơ quan chức năng, không nghe kẻ xấu, không đi theo tà đạo, bà con sinh sống tốt với nhau, đoàn kết.”

Ðể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, huyện Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ sinh sống. Ðặc biệt, huyện Mường Nhé chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo, cảnh báo người dân về luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Đồng thời tăng cường đối thoại với đồng bào theo tôn giáo; gặp gỡ trưởng các nhóm đạo.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - ảnh 2Điểm sinh hoạt Tin lành tại bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. – Nguồn: VOV 

Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, cho biết: “Huyện Mường Nhé có 9/11 xã với 70 bản có người theo tôn giáo. 88 điểm nhóm, 7 hệ phái tin lành, 1 hệ phái công giáo với 3464 hộ, 20.491 nhân khẩu theo đạo, 6/17 dân tộc theo tôn giáo như Kinh, Mông, Sán Chỉ, Giao, Hà Nhì, Saphan. Có 70 điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo và 18 điểm nhóm chưa được đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Để quản lý tốt các điểm nhóm này chúng tôi cử cán bộ xuống nắm bám các địa bàn, công an xã thường xuyên nắm bắt lịch trình sinh hoạt, yêu cầu báo cáo sinh hoạt, tuyên truyền hoạt động theo đúng pháp luật. Chỉ còn một số ít đối tượng len lỏi trong nhân dân truyền đạo, tuyên truyền thành lập lại cái gọi là Nhà  nước Mông. Huyện nắm rất rõ những đối tượng này không để bị động, bất ngờ.”

Hoạt động hành giáo của các điểm nhóm tín đồ trên địa bàn huyện Mường Nhé tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các điểm nhóm đều đăng ký chương trình hoạt động với các xã, bản. Các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ, tết, Noel đảm bảo theo đúng nội dung đăng ký sinh hoạt, đúng thời gian, địa điểm, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các tín đồ.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - ảnh 3Một buổi sinh hoạt tôn giáo ở bản Sima 2. - Ảnh: Ngọc Anh 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an), Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, khẳng định: “Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Điện Biên là đơn vị chủ công cùng với các ngành khác đem lại nhiều niềm tin cho nhân dân. Những đổi thay tích cực của huyện Mường Nhé về xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống các dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng, đấu tranh hoạt động phòng, chống mua bán người… đang hàng ngày đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Qua đó, quyền con người được bảo vệ và tôn trọng. Huyện Mường Nhé có thể nói là điểm sáng về thực hiện quyền con người, đặc biệt trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.”

Các điểm, nhóm đạo sau khi đăng ký hoạt động đều hướng dẫn người dân, tín đồ có đạo sống “Tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước, bảo vệ hòa bình, thực hiện bác ái, tự do bình đẳng và lao động theo quy định của pháp luật”. Từ đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Giàng Seo Tỏa, dân tộc Mông, bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé, kể:“Tôi học mục sư ở Thành phố Hồ Chí Minh nên hiểu biết tôn giáo. Điểm nhóm nào có phép của nhà nước cho thì tôi mới tuyên truyền còn không có phép nhà nước thì không tuyên truyền. Tôi dạy cho con cháu 10 điều răn của Chúa, cái nào đúng thì làm, cái nào sai không vi phạm. Chúa chỉ có thương dân còn Bà cô Rợ không phải là Chúa. Chúa chỉ dạy điều tốt để cho mình biết thương bố mẹ, dân làng, chia sẻ cơm ăn áo mặc cho nhau. Chúa ở trong lòng mình nên phải biết yêu thương nhau, động viên bà con sống tốt.”

Huyện Mường Nhé đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc. Các tổ chức tôn giáo hoạt động theo phương châm “đồng hành cùng dân tộc”. Nhờ vậy, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở huyện Mường Nhé tự do trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu