Đối với phụ nữ Việt Nam, áo dài là trang phục truyền thống thường được phái đẹp mặc vào những ngày đặc biệt, nhằm tôn vinh vẻ đẹp và sự dịu dàng của mình. Từ năm 2020, tuần lễ mặc áo dài đã được phát động và trở thành sự kiện hàng năm, giúp cho mỗi người phụ nữ Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài có điều kiện được thể hiện nét đẹp, sự duyên dáng, qua đó, cũng tôn vinh giá trị văn hóa và bản sắc Việt.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến với triển lãm áo dài của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội thời gian gần đây, các bạn sẽ thấy một không gian ấm cúng với những bộ sưu tập áo dài đủ màu sắc, hoa văn…, những di sản, địa danh của Việt Nam được đưa vào tà áo dài, góp phần làm đẹp thêm bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt và rộng hơn là quảng bá được hình ảnh của Việt Nam. Chia sẻ về những tác phẩm áo dài của mình nhà thiết kế Hoàng Ly cho biết: Chúng tôi muốn tôn vinh di sản của Việt Nam và nét đẹp của quê hương Việt Nam lên tà áo dài, quảng bá vẻ đẹp của quê hương Việt Nam lên tà áo dài để bạn bè hiểu biết tốt hơn về quê hương và con người Việt Nam…
TP.HCM tổ chức Lễ hội Áo dài nhằm tôn vinh áo dài truyền thống dân tộc |
Hình ảnh áo dài đã trở thành thương hiệu của phụ nữ Việt và được mỗi người trân trọng, luôn mong muốn được gìn giữ. Không chỉ ở trong nước, áo dài đã được mang đến mọi quốc gia trên thế giới, tôn vinh vẻ đẹp của các chị qua việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Chính vì thế, tại nhiều quốc gia, áo dài đã xuất hiện ở những sự kiện đặc biệt như dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam. Ngay từ nhiều năm trước, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, người Việt ở Malaysia đã sử dụng nhà hàng của mình làm địa điểm tổ chức cuộc thi áo dài với mong muốn quảng bá vẻ đẹp văn hóa Việt: “ Hội phụ nữ đông nhưng mà để quy tụ được họ thì rất là khó. Tụi mình đã làm chương trình thi áo dài Việt Nam dành cho các bạn Việt Nam ở bên ý, tại địa điểm nhà hàng, chưa quy mô nhưng kêu gọi mọi người ý thức về nền văn hóa Việt…”
Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu Áo dài Huế. Ảnh: VOV |
Không chỉ gắn liền với hình ảnh phụ nữ Việt, áo dài đã được coi là trang phục truyền thống và di sản văn hóa trong lòng người Việt. Vì vậy, tôn vinh áo dài như một di sản văn hóa là hoạt động đã được thực hiện từ năm 2020 với tuần lễ mặc áo dài được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam và Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch phát động dành cho phụ nữ cả nước. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết ý nghĩa của tuần lễ này đối với phụ nữ Hà thành: “ Chúng tôi vận động cán bộ các cơ quan đơn vị tham gia mặc áo dài từ 2 đến 8-3, đồng loạt trong ngày 6-3 phù hợp với điều kiện làm việc. Tổ chức hội thi, thi tìm hiểu đồng diễn để tạo sức lan tỏa và tôn vinh áo dài trong đời sống xã hội”
Các bạn trẻ của ABViet France trong tà áo dài Việt Nam. Ảnh: fb của Hội |
Do dịch bệnh COVID-19 đang xảy ra nên tùy theo điều kiện từng khu vực mà các hoạt động liên quan đến áo dài sẽ được thực hiện khác nhau: có thể là các cuộc thi, tọa đàm về áo dài trực tiếp hoặc trực tuyến. Đặc biệt,Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã vận động để phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng chương trình này. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có làm việc với một số Câu lạc bộ Hội người Việt Nam ở nước ngoài, các đại diện. Trong dịp 8-3, các chị cũng có hoạt động mặc áo dài trong 1 ngày, hoặc trong 1 tuần lễ đưa hình ảnh áo dài ra nước ngoài. Dự định ban đầu các chị ở Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài cũng muốn tổ chức trình diễn nhưng do dịch bệnh COVID nên không thực hiện được nhưng sự quan tâm, hưởng ứng rõ nét, khẳng định áo dài gắn liền với phụ nữ Việt Nam cho dù ở đâu thì vẫn là tài sản vô giá đối với với họ
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, người Việt ở Malaysia trong bộ áo dài Việt nhận giải Nhà hàng châu Á của năm từ tổ chức Hospitality Asia. Ảnh:baotintuc.vn |
Với sự quan tâm về áo dài của dân tộc, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, các nhà khoa học và mỗi cá nhân đã hưởng ứng tích cực theo nhiều hình thức khác nhau nhằm tôn vinh giá trị và bản sắc của trang phục truyền thống dân tộc Việt nói chung và vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam nói riêng. Đó cũng là lý do mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trở thành cơ quan phát động rộng rãi chương trình. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Chúng tôi đã có nhiều hoạt động khẳng định tôn vinh giá trị áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào và việc gìn giữ giá trị áo dài, tiến tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đối với phụ nữ ở nước ngoài, có công văn gửi ban Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, công văn cho bộ ngoại giao để vận động nữ công chức ở nước ngoài và bà con kiều bào ở các nước mặc áo dài, đồng thời thông tin để bạn bè quốc tế cùng tham gia.
Áo dài Việt Nam được coi là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc đã và đang được gìn giữ phát huy và trường tồn trong đời sống của người Việt. Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, áo dài còn là tài sản quý, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.