Sáng 21/12, tỉnh Điện Biên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên cùng nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ) tổ chức lễ rước, an vị Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu tưởng niệm thuộc di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nơi an vị Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt tại phòng thờ Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại điểm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng. Ảnh: VOV |
Tượng thờ bán thân bằng đồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chiều cao 86cm, nặng khoảng 80kg. Đây là mẫu tượng độc quyền của gia đình Đại tướng, được làm lại với kích thước thu nhỏ dựa trên tượng đài Đại tướng tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tạc từ đá sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện.
Bức tượng thờ bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VOV |
Mẫu tượng được dựa trên bức ảnh Đại tướng năm 59 tuổi, khắc họa thành công chân dung một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, mặc quân phục Đại tướng, trên ngực áo đeo Huân chương Sao Vàng. Khuôn mặt thể hiện một cách chân thực thần thái uy nghi, nghiêm nghị với vầng trán cao, đôi mắt nhân từ của một vị tướng nhưng vẫn ấm áp, gần gũi, bình dị.
Cùng ngày tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khai mạc triển lãm thơ diễn ca lịch sử và nhân vật lịch sử mang tên “Theo dấu chân Đại tướng”, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả 110 bài thơ này là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung, người đã có cơ duyên gặp gỡ và viết về Đại tướng hơn 20 năm qua.
Triển lãm cũng giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường, những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.