VOV trong lòng trí thức Việt xa xứ

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - "Tôi tự khảo nghiệm trở lại, có lẽ Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những phương tiện truyền thông đã thể hiện một cách hết sức chân thật những sự kiện xảy ra."

Cách đây 75 năm, sau ngày nước Việt Nam tuyên bố độc lập 2/9, thì vào ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sứ mệnh lịch sử giới thiệu và khẳng định nước Việt Nam trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, VOV5 ghi lại một số ý kiến của trí thức người Việt ở nước ngoài về các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

GSTS Nguyễn Huy Hoàng, người Việt Nam ở LB Nga là một thính giả lâu năm của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời, cũng từng là cộng tác viên của chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc với những bài viết về cộng đồng người Việt xa xứ, những bài viết về văn học nghệ thuật hay dịch thuật.

VOV trong lòng trí thức Việt xa xứ - ảnh 1GSTS Nguyễn Huy Hoàng, người Việt ở LB Nga.

Chia sẻ về chặng đường là một “người nghe” trung thành với Đài Tiếng nói Việt Nam, ông nhớ lại một thời kỳ mà Đài còn là phương tiện thông tin lớn nhất của cả nước: "Có lẽ tôi nói với tư cách là một người "nghiện" Đài Tiếng nói Việt Nam. Thường thường lúc người ta có tuổi thì người ta hồi tưởng. Có lẽ sự hồi tưởng đó đem lại cho những người ta năng lượng, sự ấm lòng và người ta sống lại suốt cả một quãng đời mà, có thể nói rằng bao giờ cái quá khứ cũng rực rỡ, đẹp đẽ lắm.

Tôi "nghiện" Đài tiếng nói Việt Nam như thế nào? Có thể đưa một câu chuyện trong cuốn Chiều chiều của nhà văn Tô Hoài. Ông Tô Hoài kể câu chuyện mà ông đi thực tế tỉnh Thái Bình vào những năm 60, ông ở nhà một người lão nông. Lúc từ Hà Nội xuống đó, ông đưa món quà làm lão nông rất ngạc nhiên. Đó là chiếc đài Galen. Lúc ông treo Đài lên cành cây, mở tiếng đầu tiên "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam", thì ông lão này coi như là cổ tích. Có lẽ nói bây giờ thì thế hệ trẻ không hiểu. Nhưng thế hệ chúng tôi hiểu điều đó, bởi vì người ta khao khát thông tin, bởi Hà Nội là xa vời vợi, có thể nói là Đài Tiếng nói Việt Nam đã chắp cánh thủ đô tới tất cả các vùng quê, những nơi xa xăm của đất nước.

Người ta bảo tâm sinh tướng. Đồng thời người ta cũng bảo là thanh tướng. Nghe giọng con người. Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu. Hồi đó chúng tôi chưa biết các phát thanh viên, những người nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe tiếng nói thì chúng tôi cảm thấy họ là thiên thần, tuyệt vời lắm và quả thật sau này tôi gặp họ thì cũng rất tuyệt vời.”

Những dịp về nước, GS Nguyễn Huy Hoàng thường nghe đài trên những chuyến xe đi về các vùng miền, thậm chí đi rừng núi lên những vùng cao vùng xa biên viễn như Mù Căng Chải phía bắc, trong nhiều ngày cầu nối thông tin cập nhật của ông và bạn bè cũng là Tiếng nói Việt Nam. Nhưng có một kỷ niệm mà ông rất nhớ: “Một lần tôi ra Trường Sa, suốt 12 ngày ở Trường Sa . Ở đó không có tivi, chúng tôi nằm trong cabin của tàu biển và Đài tiếng nói Việt Nam đưa chúng tôi đến với đất liền.”

Và trong thế giới ngày nay với một mạng lưới truyền thông đã rất khác, với sự cạnh tranh thông tin khốc liệt, thì Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển như một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, với những sự thay đổi vượt bậc để đáp ứng được nhu cầu của bạn nghe đài, bạn đọc, bạn xem truyền hình.  Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đầu tiên của cả nước. Từ năm 2013, các hệ phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã dần đi vào hướng chuyên biệt, trong đó có kênh phát thanh đối ngoại VOV5, mà chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc là một dẫn chứng.

VOV trong lòng trí thức Việt xa xứ - ảnh 2 Nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Quyên trong một lần về nước nói chuyện văn học tại Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội. - Ảnh: Nam Hy Hoàng Phong/wikipedia

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Đỗ Quyên, người Việt ở Canada, cũng là một cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét về những chương trình gần đây mà anh vẫn theo dõi: “Trong những bài mà tôi có dịp may mắn được cộng tác với đài có thể nói là tôi đều hài lòng. Nhất là với sự biên tập, chọn lựa các điểm chính, những câu quan trọng để đưa lên trang mạng. Nói chung các giọng đọc đều nâng bài viết của tôi lên rất nhiều. Thí dụ như bài gần đây nhất là bài về nhà thơ Đặng Đình Hưng, với giọng đọc của phát thanh viên Hải Yến đã thực sự là hút hồn tôi như là một người viết.

Trong các mục khác, tôi quan tâm nhiều đến mục như Hồ sơ biển Đông, mục này thông tin cập nhật, hồ sơ cũng tốt nhưng hơi ít. Hai mục tôi thấy cũng rất thích là Việt Nam quốc gia khởi nghiệp, Hà Nội ngàn năm. Theo tôi đấy là những bài rất hữu ích. Tạp chí văn nghệ tôi muốn đề cập một số bài tôi quan tâm gần đây, như phỏng vấn hoặc bài viết về các dịch giả, nhà văn ở nước ngoài như Nguyễn Thị Kim Hiền ở Nga, Lê Minh Hà ở Đức, Hiệu Constant ở Pháp. Những bài này tôi thấy rất hữu ích vì đó là những tác giả mà tôi đã có để ý đến những tác phẩm của họ. Hoặc những phần bài về nghiên cứu, có tính chất văn hóa bên trong văn học Việt Nam, Suy tư về nhân sinh của Nguyễn Trương Quý, hay bài về hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt. Tôi thấy những mục này nên đăng nhiều”

Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: “Thế giới ngày nay là thế giới cạnh tranh, cạnh tranh nhiều thứ từ công nghiệp, từ sản xuất và đặc biệt từ truyền thông thì Đài càng ngày càng tự nâng mình lên. Vì sao người ta gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam như vậy? Với tư cách là người nghiên cứu, là một thính giả, tôi cho rằng vì tính thời sự rất nóng hổi mà Đài tiếng nói Việt Nam đưa đến với chúng ta.

Thứ hai là tính chân thực. Tôi tự khảo nghiệm trở lại, có lẽ Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những phương tiện truyền thông đã thể hiện một cách hết sức chân thật những sự kiện những vấn đề gì xảy ra. Và sau này là Đài VOV, sau này là báo viết của Đài tiếng nói Việt Nam, thì đưa tin tôi cảm thấy là rất hấp dẫn, chân xác. Vì cùng về sau đó nhiều phương tiện khác cũng đưa thông tin đến. Và tôi kết luận rằng báo, Đài tiếng nói Việt Nam vừa cập nhật vừa sớm, vừa chân thực.

Thứ ba là tính xã hội, phụ thộc vào mức độ thông tin rộng lớn của nó.  VOV đến với tất cả, đến vùng cao vùng xa, cho nên nó tạo ra một hiệu ứng truyền thông rất lớn. Tôi có theo dõi từ xa một số nhóm từ thiện. mà nhóm từ thiện đó có lẽ là qua Đài Tiếng nói Việt Nam người ta mới kết nối được với nhau, tạo thành những tổ chức để đưa tất cả những món quà miền xuôi lên miền ngược.

Tôi ở bên Nga xa Việt Nam, nhưng theo dõi một số anh em đại diện của VOV thì thực sự họ đã đưa những thông tin mà tôi cho rất cập nhật những gì xảy ra ở nước Nga, xảy ra ở cộng đồng người Việt. Chỉ loáng một cái tôi mở Đài Tiếng nói Việt Nam đã thấy rồi. Điều đó làm cho những người quan tâm đến thời sự Việt Nam cảm thấy ấm lòng.”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu