“Tiếng chữ” của NSUT Hà Phương

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ nhìn chữ bằng mắt, NSUT Hà Phương nhìn chữ bằng trái tim - thời trẻ, là của những yêu thương háo hức, và giờ đây, là của sự từng trải, uyên thâm.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

 
“Tiếng chữ” của NSUT Hà Phương - ảnh 1Nghệ sĩ ưu tú Hà Phương - Ảnh: Phương Lan

NSUT Hà Phương là một trong số những giọng đọc thuộc thế hệ vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng với những tên tuổi như NSUT Kim Cúc, NSUT Hoàng Yến, NSUT Việt Hùng.. và là đàn em thế hệ sau của NSND Tuyết Mai, NSUT Trần Phương vv…

Ông là một nhà báo, một phát thanh viên kỳ cựu và cũng là người “truyền lửa” phát thanh. Những truyện ngắn, những tạp bút giữ lửa nghề của NSUT Hà Phương từng đăng rải rác trên báo chí, vừa tuyển trong cuốn “Tiếng chữ”, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Đây là tập sách thứ 5 của ông.

“Tiếng chữ” của NSUT Hà Phương - ảnh 2

Những giai thoại về Hà Phương có nhiều. Lần ấy trong phòng thu, người biên tập viên trẻ không hài lòng với bản đọc của phát thanh viên khác, lẳng lặng đưa Hà Phương đọc lại bài nghiên cứu về nghệ thuật tuồng. Một bản đọc “xương xẩu” với bất cứ phát thanh viên nào. Từ trang giấy kín chữ, câu cú nghiên cứu trúc trắc, khô khan, thành lời của người đọc, nào những nói lối, những phách, những nhịp, những tiếng trống chầu… Không gian qua tiếng loa phòng thu như biến thành một sân khấu tuồng sống động. Tiếng đọc đã dứt, biên tập viên còn chưa hết kinh ngạc, ông vội đi sang phòng đọc khác. Cầm lại văn bản, người biên tập trẻ còn kinh ngạc hơn, khi nhận ra bản in đó bị lỗi, khiến câu văn bị què cụt, thiếu giữa đoạn. Không ngờ Hà Phương đã vừa đọc, vừa cảm văn bản, vừa cắt nhanh như một biên tập lành nghề, trọn câu vẹn ý, khiến người nghe chỉ cuốn theo không gian hấp dẫn ông đã vẽ lên qua làn sóng. 

Vốn từng là phóng viên thời sự của Đài trước khi bước vào nghiệp phát thanh viên, có một vốn văn hóa sâu rộng, nên không chỉ có giọng đọc truyền cảm đi vào trái tim người nghe, không chỉ là một thầy “nghề tiếng” tận tâm, đào tạo nhiều lứa phát thanh viên sau này, Hà Phương còn là một cây bút sắc sảo. Ông viết truyện ngắn, viết tạp bút, chuyện chữ nghĩa, cũng để chia sẻ những tâm tư về cuộc đời, và chở nặng “Đạo” phát thanh mà ông luôn tự gánh trên vai, với tâm ý sâu xa để người đọc, người nghe hiểu sâu hơn, thấm thía hơn về “tiếng chữ”. Tiếng chữ ấy, là gì?

 “Ở góc nhìn riêng, con chữ như cái chuông nhỏ. Thoạt trông chỉ thấy hình hài nhưng thật ra khi hiện lên trang viết, con chữ đã chứa sẵn âm thanh. Thổi hồn mình vào, con chữ sẽ rung ngân, trầm bổng. Viết cho phát thanh càng phải tin như thế. Đọc cho thấy hết lòng dạ của con chữ lúc đó mới biết khi được rung lên thành tiếng, con chữ sẽ khoe hết sâu nông, rộng dài để sống hết đời chữ.”

Phát thanh viên Hà Phương đã viết như thế trong cuốn sách của mình, như rút ruột rút gan tìm kiếm những tri âm, về cách viết – cách đọc cho phát thanh.

Không chỉ nhìn chữ bằng mắt, ông nhìn chữ bằng trái tim - thời trẻ, là của những yêu thương háo hức, và giờ đây, là của sự từng trải, uyên thâm. Bởi từ “chữ” đi đến được “đời chữ”, là hành trình tìm kiếm, trải nghiệm, hiểu biết của chính người đọc, để cộng cảm được với tiếng nói tinh thần từ văn bản, của người viết.

“Tiếng chữ” của NSUT Hà Phương - ảnh 3

Cuốn “Tiếng chữ” trên 200 trang, gồm 2 phần: truyện ngắn và Bàn thêm về “Tiếng chữ”. Ngay từ cách đặt tên truyện ngắn, Hà Phương cũng cho thấy ông ưa thích lựa chọn từ ngữ giàu hình ảnh, gợi nhạc điệu: Con thuyền say, Dòng sông lối rẽ, Khoảng lặng giữa bài ca, Nghiệp cầm ca, Ngày còn lại, Mưa trung du, Sóng vẫn xôn xao, Ơi…ngày xưa, Tiếng gáy cườm…

Mười hai truyện ngắn là những câu chuyện tưởng nhỏ mà nhiều suy tư về cuộc đời, những bài học nhân sinh trong một xã hội Việt Nam hiện đại đang có nhiều sự trở mình, sự thay đổi. Đồng thời, trong những truyện ngắn này cũng thấp thoáng bóng dáng tác giả đằng sau đó: một người luôn trăn trở về nhân tình thế thái, hoài niệm về cái đẹp, cách sống đẹp, sự hoàn thiện con người.

Trong số đó, “Ơi…ngày xưa” đậm đặc chất Hà Phương nhất. Truyện ngắn về một người đàn ông, được gọi là người thu mua đồng nát, khiến người đọc rưng rưng trước những nỗi đau thân phận con người, nhưng cũng lấp lánh sau đó ánh sáng không thể tắt của cái đẹp trong đời sống tinh thần qua những ẩn ý trao truyền thế hệ.

Phần "Bàn thêm về Tiếng chữ", có những góc nhìn độc đáo, rất riêng của Hà Phương – một phát thanh viên lâu năm giàu kinh nghiệm. Những bài học về nghề đọc, cách đọc, cách hiểu con chữ, cách viết để đọc, dưới ngòi bút của Hà Phương, có thể như những kim chỉ nam “gối đầu giường” cho những người theo nghề đọc, hay nghề viết phát thanh, chia sẻ những trăn trở của người trong nghề “Viết làm sao để nghe mà thấy nhanh, thấy rõ được như là nhìn?” ( bài “Văn nhà Đài”). Hoặc những trang bàn thêm về cách dùng tiếng Việt, “Sự biến hóa của từ ngữ”, “Đừng phung phí chữ”, giúp người đọc có thêm trường liên văn bản khi tiếp cận văn bản gốc, hay dùng từ cho đúng, cho trúng.

Nói như cựu biên tập viên Ban Văn nghệ của Đài, Dương Kim Thoa - người cũng đã làm việc với Hà Phương lâu năm - trong lời nói đầu của “Tiếng chữ”: “Nếu trên “làn sóng”, Nghệ sĩ ưu tú Hà Phương khơi dậy trong lòng người nghe những thổn thức yêu thương và nâng niu cuộc sống thì trên trang viết, ông lại kéo người đọc cùng mình đến gần hơn để nhìn sâu thêm vào cuộc sống, để có thể nhìn đời, nhìn người với nhiều đồng cảm, sẻ chia hơn…”

NSUT Hà Phương làm báo phát thanh từ năm 1964 (năm 1966 ông được cấp Thẻ nhà báo đợt đầu tiên ở Việt Nam) và đến năm 1966 ông là phóng viên thời sự của Đài thường trú Tuyến lửa Nghệ An. Nghề viết và tự đọc tác phẩm của ông đã bắt đầu từ lúc ấy và ngày càng khởi sắc cho mãi tới hiện nay. Năm 1973 Đài Tiếng nói Việt Nam điều ông sang làm phát thanh viên để nhập đoàn C59 công tác đặc biệt ở Trung Quốc. Sau đó ông về nước và tiếp tục được cử làm chuyên gia phát thanh tiếng Việt ở Đài Matxcơva (Liên Xô cũ) trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 1982 ông về nước với bậc Nghiệp vụ Phát thanh viên Chính và tiếp tục làm nghề, sau được bổ nhiệm làm Trưởng phòng PTV. Vừa đọc vừa làm cán bộ quản lý và dạy nghiệp vụ PTV cho Đài và một số Đài nước bạn, ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đài TNVN cử đi dạy nghiệp vụ cho nhiều đài PTTH các tỉnh trong nước. 

Hiện nay ở tuổi 83, ngoài việc cộng tác đọc “Trang Văn nghệ chủ nhật” cho Đài, ông vẫn tiếp tục dạy nghề “Đọc diễn cảm trên sóng phát thanh” cho những người có đam mê.

                                                (Tư liệu Đài Tiếng nói Việt Nam) 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu