Radio: Luôn là những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai

Ngô Thiệu Phong/ VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Với người dân ở các quốc gia trên hành tinh này radio luôn để lại những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai.

Hôm nay (13/2) là Ngày phát thanh Thế giới (World Radio Day). Với người dân ở các quốc gia trên hành tinh này radio luôn để lại những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai. Người Việt Nam không ngoại lệ, thậm chí có nhiều kỷ niệm sâu sắc bởi chúng ta có thời gian dài gắn bó với tiếng đài, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh.

Radio: Luôn là những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai - ảnh 1
Với người dân ở các quốc gia trên hành tinh này radio luôn để lại những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai. Người Việt Nam không ngoại lệ, thậm chí có nhiều kỷ niệm sâu sắc bởi chúng ta có thời gian dài gắn bó với tiếng đài, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh. - Ảnh minh họa/VOV

Tuy nhiên tất cả không phải bất biến, công nghệ tiên tiến và mạng toàn cầu đem tới cho nhân loại những cái nhìn mới mẻ. Radio không mất đi bởi thính giác vẫn là một trong 5 giác quan của loài người để tồn tại và thu thập tri thức nhân loại. Song bên cạnh phát thanh còn nhiều loại hình truyền thông khác và tất cả đang trong một cuộc cạnh tranh gay gắt để giành giật công chúng báo chí. Do đó cách chuyển tải sản phẩm radio đến công chúng, đồng thời xây dựng những sản phẩm phù hợp với cách chuyển tải và tiếp nhận của người nghe chắc chắn phải thay đổi để giảm chi phí, đem lại những thuận lợi và tiện ích cho người nghe.

Thế giới vật chất hiện hữu quanh ta có những thứ to lên nhưng nhiều vật giảm kích thước đáng kể. Nếu toà nhà thế kỷ 19 cao nhất không quá 10 tầng thì bây giờ xây căn vài chục tầng là chuyện nhỏ. Nếu máy điện toán đầu tiên của IBM to bằng cả gian nhà thì ở thế kỷ 21, bé bằng quyển sách nhưng năng lực tính toán gấp bội. Nếu như chiếc radio ở thế kỷ 19 to bằng cái chạn bát, đặt cố định, thì hôm nay người nghe có thể xách đi chỗ này chỗ kia, thậm chí bỏ túi.

Thế mà công nghệ phát triển khiến người nghe vẫn chưa hài lòng. Thính giả của thời hiện đại, của cuộc sống công nghiệp cần chiếc radio gọn nhẹ hơn, nghe hay hơn, tích hợp nhiều chức năng và vận hành đơn giản hơn.

Radio: Luôn là những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng khó phai - ảnh 2
Phát thanh được khẳng định là huyết mạch và vẫn luôn là phương tiện truyền thông tiếp cận rộng rãi nhất và trong thời gian nhanh chóng nhất có thể với các cộng đồng, với thính giả trên toàn thế giới.

Các nhà sản xuất nắm bắt được nhu cầu trên và tích hợp radio trên chiếc điện thoại thông minh. Thế hệ ban đầu được thiết kế bắt sóng FM nhưng bây giờ là các ứng dụng (app). Podscats và Spotify là thí dụ.

Việc sử dụng công nghệ nào để truyền dẫn, tức là đem sản phẩm phát thanh đến người nghe, phụ thuộc vào mỗi quốc gia, từng khu vực. Tuy nhiên trong một phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử ngày hôm nay (12-2), cho hay Bộ TT&TT đã xây dựng lộ trình tắt sóng 2G để thúc đẩy 100% người dân Việt Nam chuyển sang sử dụng smartphone, cũng là nhằm thúc đẩy Chính phủ điện tử, giao dịch trực tuyến hướng đến nền kinh tế số. Ông Hùng cũng cho biết dự kiến sẽ triển khai thương mại 5G trong năm nay.

Với tuyên bố này chúng ta tin tưởng hạ tầng mạng Internet ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh và mạnh.

Trong số khoảng 64 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, có 96% sử dụng Internet trên thiết bị di động. Vì thế cung cấp các sản phẩm phát thanh trên nền tảng số là việc làm tất yếu.

Chúng ta cứ sợ bà con không có nồi nên không dám cấp gạo ngon? Cứ có gạo ngon đi bà con sẽ có nồi, cứ có đường giao thông đi bà con sẽ sắm xe máy! Năm 2019 vào Huổi Mí, Mường Chà, Điện Biên, một xã khó khăn thấy bà con nhoáy nhoáy smartphone. Hỏi, bà con bảo thiếu gạo thiếu muối chứ không thiếu được điện thoại đâu! Còn với nhà cung cấp dịch vụ mạng thì nơi nào có nhu cầu là họ lắp đặt trạm thôi. Kinh doanh mà!

Công nghệ hôm nay cho phép công chúng báo chí có những tuỳ chọn, tuỳ biến cao hơn để đọc/nghe/xem những gì họ thích; không hoặc ít bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nếu không biết tận dụng lợi thế công nghệ để “dâng” sản phẩm báo chí đến tận “tay” người tiêu dùng thì không chỉ radio mà loại hình truyền thông nào cũng… sẽ chẳng chết đâu nhưng mà sống thực vật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu