Nhà thơ Trần Nhật Lam- một cốt cách Hà Nội

Mai Quốc Liên
Chia sẻ
(VOV5)- Anh là người vững vàng, giấu mình, ẩn tiếng, khiêm cung, đạo đức trước cuộc đời, trước bạn bè. Với ai, anh cũng chân thành, thân ái.
(VOV5)- Anh là người vững vàng, giấu mình, ẩn tiếng, khiêm cung, đạo đức trước cuộc đời, trước bạn bè. Với ai, anh cũng chân thành, thân ái.

Hơn năm mươi năm trước, khi chúng tôi bước chân vào Đại học Tổng hợp Văn, thì Trần Nhật Lam-người bạn cùng lớp của chúng tôi-đã là thi sĩ! Thơ anh được in vào Tuyển tập thơ Việt Nam. Những câu thơ hơi hướng cổ phong, “hành”, khác lạ, đọc từ ấy mà đến nay còn âm vang trong tâm trí.

Tốt nghiệp đại học, anh về làm phóng viên, biên tập viên, và sau này, làm Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc bấy giờ cái Đài là phương tiện gần như duy nhất để ta ra thế giới, ta vào Nam chiến trường, ta vào bà con khắp ngõ chợ thì quê…

Trần Nhật Lam tiếp thu kinh nghiệm của các vị tiền nhiệm, cùng những bạn bè văn nghệ tâm huyết: Trúc Thông, Vũ Quần Phương, Lê Đình Cánh, Trần Nguyên Vấn, Trần Mạnh Thường, Nguyễn Bùi Vợi… vun đắp cho tờ báo nói điện tử Văn Nghệ, góp phần làm nên nền văn nghệ chống Mỹ-chống bá quyền xâm lược.

Hồi ấy, thơ văn nhạc kịch được phát trên Đài là biết bao vinh dự. Và nhờ thế mà có sự lan truyền rộng rãi, từ chiến hào, từ tù ngục, từ ruộng đồng, nhà máy, trí thức… Đêm nghe văn nghệ Đài, lòng thao thức đợi ngày mai làm việc, cống hiến...

Anh là người vững vàng, giấu mình, ẩn tiếng, khiêm cung, đạo đức trước cuộc đời, trước bạn bè. Với ai, anh cũng chân thành, thân ái. Anh chở vợ trên chiếc xe đạp Phượng hoàng cùng đến Đài làm việc, nhẫn nại và đầy yêu thương suốt cả một đời!

Và thơ của anh, những tiếng lòng chân thật, sâu lắng suy tư được thốt lên từ cuộc đời ấy, trong những ngày chiến tranh và hòa bình ở thủ đô Hà Nội. Đặc sắc nhất có lẽ là những bài thơ tặng vợ! Xưa nay, viết về người tình mà hay thì nhiều, nhưng thơ tặng vợ ăn ở với nhau thuở “tấm mẳn” (tao khang) thì ít.

Tôi đọc thơ anh, càng hiểu thêm một con người hồn hậu mà sâu sắc, một con người gắn vào nhân dân, đất nước mình một cách tự nhiên và những bài thơ xúc động, độc đáo từ đó vang lên lặng thầm, không cần lớn tiếng, tô vẽ..

Con phố nhỏ Bát Sứ có ngôi nhà cổ của bố mẹ anh, của gia đình anh là nơi tôi lui tới một đời, từ lúc hai đứa quen thân nhau ở đại học-một tình bạn thanh đạm, bền bỉ, không cơn sóng nhỏ suốt hơn 50 năm.

Trong ngôi nhà nhỏ nhắn ấy của Trần Nhật Lam, ở một trong những ngôi phố cổ nhất Hà Nội có một câu đối thếp chữ vàng. Đó là câu đối của một người bạn khoa bảng tặng cho cụ cố của Trần Nhật Lam:

深院攤書桐葉雨

掎攔聫句藕花風

Thâm viện than thư đồng diệp vũ

Ỷ lan liên cú ngẫu hoa phong

(Nơi viện vắng ngồi đọc sách trong tiết mưa thu rơi trên lá ngô đồng

Đứng dựa lan can ngâm thơ trong gió đưa hương hoa sen)

Cái dư phong còn sót lại của một thời Nho phong Hán học của Thăng Long xưa, không ngờ lại được thấy ở nhà bạn tôi. Các cụ đi lại trong cõi tinh thần thơm tho, trong cơn mưa mùa thu, trong gió đưa hương sen mùa hạ, tao nhã, phiêu dật đến như thế! Trần Nhật Lam, người bạn Hà Nội của tôi cũng được hưởng cái văn hóa Tràng An ấy, từ cốt cách, tâm hồn đến giọng nói…, làm cho tôi từ đất Quảng ra thấm thía được thế nào là Thăng Long, là Hà Nội…/.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu