Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài

Nhà báo Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN
Chia sẻ
(VOV5) - "Nhớ lại những năm tháng làm phóng viên thường trú ở nước ngoài, tờ báo điện tử thực sự là một nhịp cầu gắn kết giữa chúng tôi với Tổ Quốc, với cộng đồng người Việt ở xa quê hương".
Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài  - ảnh 1Giao diện Báo điện tử những tháng ngày đầu mới thành lập 

Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN),  sau khi thành lập tờ báo in “Đài Tiếng nói Việt Nam” (nay là Tiếng nói Việt Nam) và mở các cơ quan thường trú ở nước ngoài, ngày 3/2/1999, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn), có tên miền là vov.org.vn ra đời. Khi đó, tờ báo chỉ là một phòng nằm trong Ban Biên tập đối ngoại (VOV5) do anh Đinh Thế Lộc, Trưởng ban Ban Biên tập đối ngoại, kiêm Tổng Biên tập, các Phó Tổng biên tập là các chị Nguyễn Thị Huệ, Phan Vân Hương, Phó ban Ban Biên tập đối ngoại và Nguyễn Thị Lệ Quân, Giám đốc RITC (nay là R&D).

Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài  - ảnh 2Nhà báo Vũ Hải phỏng vấn nhà sử học Charles Fourniau, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt. 

Ba ngày sau khi báo điện tử VOV ra đời, theo quyết định của Tổng giám đốc Trần Mai Hạnh, tôi và anh Trần Kim Thâu sang Pháp nhận nhiệm vụ làm phóng viên thường trú Đài TNVN. Thực ra quyết định thành lập cơ quan thường trú tại Pháp ký từ 28 tháng 10 năm 1998, cùng lúc với cơ quan thường trú tại Thái Lan, nhưng vì công việc gia đình nên hai chúng tôi gần sát Tết âm lịch mới đi được. Anh Trần Mai Hạnh động viên, thôi Tết cổ truyền đối với mình là trọng nhưng bên đó các bạn vẫn làm việc bình thường, hai anh em cố sang sớm để lo thủ tục mở cơ quan thường trú. Hơn nữa, visa phía Pháp cho cũng chỉ có thời hạn 3 tháng, trong vòng thời gian đó phải hoàn thành các thủ tục xin giấy phép hoạt động báo chí, thẻ cư trú, mua sắm đồ đạc, ký hợp đồng điện, nước, điện thoại...Trụ sở Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Pháp đặt tại 5 rue du Tremble, Villeneuve la Garenne, thuộc tỉnh Hauts-de-Seine, phía Bắc thủ đô Paris. Căn nhà được xây dựng theo kiểu Pavillon nằm trong một khu có tường bao quanh, an ninh tương đối tốt.

Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài  - ảnh 3 Nhà báo Vũ Hải phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO

Đầu năm 1999, nói đến internet ngay cả người Pháp cũng không phải ai cũng biết, cũng sử dụng. Việc truy cập internet còn phải thông qua đường dây điện thoại (Dial Up), không có đường riêng như bây giờ. Cứ truy cập vào internet là máy điện thoại bận nên chúng tôi thống nhất là khi truy cập internet thì dùng đường dây của máy fax còn đường điện thoại phải để nguyên để tiếp nhận các cuộc gọi. Trong trường hợp cả hai muốn vào internet thì truy cập vào buổi tối, ít người gọi điện thoại đến. Hồi đó, có rất ít các cơ quan báo chí Việt Nam thành lập báo điện tử, ngoài Đài TNVN chỉ có báo Nhân Dân. Mỗi lần truy cập, dù chậm, phải chờ đợi, nhưng khi nhìn thấy tờ báo điện tử VOV, anh em chúng tôi vô cùng xúc động, cảm giác như mình đang sống, làm việc ở nhà, xung quanh là bạn bè, anh em đồng nghiệp. Bình thường, Đài vẫn gửi đều đặn báo sang cho chúng tôi, nhưng chậm khoảng 10 ngày, có lúc 15 ngày, mới nhận được. Ấy thế mà vẫn đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại tờ báo đã cũ mèm! Tờ báo điện tử ra đời, ngoài tin tức thời sự nhanh, cũng đủ cả các chuyên mục: Điểm báo, Văn hóa, Xã hội, Thể thao, Thị trường giá cả, Du lịch, Hộp thư bạn đọc, dạy tiếng Việt dành cho người nước ngoài và con em Việt Kiều, thậm chí cả Quảng cáo...giúp cho bạn đọc hiểu rõ tình hình ở Việt Nam và trên thế giới. Rồi như thành thói quen, sáng nào bảnh mắt ra là truy cập báo điện tử VOV xem có tin tức gì mới không, tình hình ở nhà ra sao, rồi mới lướt qua các tờ báo của Pháp.

Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài  - ảnh 4Nhà báo Vũ Hải phỏng vấn Giám đốc Bảo tàng sống Montreuil nơi trưng bày Không gian Hồ Chí Minh. 

Bà con Việt Kiều nhiều người không có điều kiện hòa mạng internet, nhất là các bác cao tuổi trong Hội công nhân, Hội Phụ Lão, Hội Công thương... thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp. Trước đây, các bác là lính thợ (sodats ouvriers) sang Pháp những năm 1939-1940, rất thích nghe Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc của Đài TNVN, ghi âm lại các bài hát, làn điệu dân ca để dạy cho con, cháu. Còn tin tức thì đưa vào Bản tin của Hội phát miễn phí cho các thành viên. Chúng tôi khi đó cứ có tin về cộng đồng người Việt tại Pháp hay những tin tức liên quan đến chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với Việt Kiều trên báo điện tử VOV là in ra, cung cấp cho các bác để đưa vào các Bản tin của Hội. Bác Nguyễn Văn Sưu,  phụ trách báo Công Nhân, các bác Nguyễn Văn Giớ, Lê Thị Mạnh, Nguyễn Đức Nhuận, Vũ Đăng Nhai...vô cùng xúc động khi đọc bản tin của Hội có tin, bài của báo điện tử VOV. Đặc biệt, các anh chị bên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hết sức quan tâm đến báo điện tử VOV, tờ báo không những phản ánh tình hình kinh tế xã hội của đất nước mà còn đưa tin nhanh các hoạt động của Đại sứ quán, của Cộng đồng bà con Việt Kiều nước sở tại và tình hình khu vực. Báo điện tử VOV thực sự trở thành một người bạn thân thiết của phóng viên thường trú VOV ở nước ngoài, giúp họ gắn kết với cộng đồng, với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, một một công cụ hữu hiệu khẳng định vị thế của Đài TNVN.

Báo điện tử VOV – Người bạn thân thiết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài  - ảnh 5 Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Huy chúc Tết cán bộ, phóng viên Báo điện tử VOV.

Lại nhớ các anh Đinh Thế Lộc, Tổng biên tập báo điện tử VOV, Hoàng Trọng Đan, Phó Tổng biên tập thường trực Báo TNVN, luôn yêu cầu chúng tôi cung cấp nhiều ảnh. Cơ quan thường trú sắm 1 chiếc máy ảnh Nikon semi-professionnel (bán chuyên nghiệp). Thời đó vẫn dùng phim nhựa, đâu có máy kỹ thuật số như bây giờ. Để tiết kiệm, chúng tôi phải ra quận 13, Paris, mua các cuộn phim loại 12 kiểu, chụp xong đi rửa ngay để kịp gửi về tòa soạn. Lúc đầu còn không biết mở hộp thư điện tử để gửi ảnh. Có lần tham dự Hội chợ Triển lãm nông nghiệp Paris, chụp mấy con bò nặng đến cả tấn mà không biết gửi ảnh như thế nào đành scan rồi gửi qua máy fax, ảnh đen ngòm, anh Hoàng Trọng Đan “khen động viên” thế cũng được! Sau này có hộp thư điện tử, gửi ảnh về, dù có chậm nhưng hình ảnh nét đẹp hơn nhiều. Cũng phải nhắc đến các chị Vũ Bích Ngọc, Nguyễn Thúy Hoa và các anh chị ở Tòa soạn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi xử lý tin, bài, phỏng vấn, ảnh...để nhanh chóng đăng tải trên báo điện tử VOV.

Trải qua 20 năm, tờ báo điện tử VOV đã nhiều lần thay đổi giao diện, hình thức thể hiện, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được nâng cấp hiện đại hơn, lượng truy cập tăng lên hàng chục triệu/tháng. Nhưng nhớ lại những năm tháng làm phóng viên thường trú ở nước ngoài, tờ báo điện tử thực sự là một nhịp cầu gắn kết giữa chúng tôi với Tổ Quốc, với cộng đồng người Việt ở xa quê hương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu