Anh Trần Hữu Vinh, ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sở hữu trang trại nuôi chim chào mào đột biến. Từ việc nuôi, nhân giống loài chim này, mỗi năm anh Trần Hữu Vinh thu nhập hơn 120.000 USD.
Mô hình nuôi chim chào mào của thanh niên Trần Hữu Vinh ở Miền Tây - Ảnh: Nhật Trường/VOV |
Anh Trần Hữu Vinh, 30 tuổi, vốn là cử nhân ngành xây dựng, có công việc ổn định, với mức lương khá cao khi làm kỹ sư công trình xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc, tìm hiểu về phong trào chơi chim cảnh, nhận thấy việc nuôi chim không chỉ thỏa mãn đam mê, còn có thể đưa lại thu nhập cao nên anh quyết định gác bằng đại học, trở về quê khởi nghiệp, lập trại nuôi chim cảnh từ năm 2019. Nhận thấy thị trường chơi chim cảnh rất chuộng chim chào mào đột biến từ màu lông, tiếng hót, ngoài tự nhiên rất khó tìm thấy. Anh Vĩnh quyết định đầu tư hơn 600 triệu đồng (gần 30.000 USD) để mua 20 cặp chim chào mào đột biến giống, chủ yếu chim có lông màu trắng hoặc vàng nhạt để nuôi tại gia đình.
Anh Trần Hữu Vinh chia sẻ: "Trước tiên vì tôi đam mê sinh vật cảnh, sau này được tiếp cận chim chào mào thấy đúng sở thích của mình. Ngoài ra mình thấy lợi nhuận, hiệu quả kinh tế mà chim mang lại cũng cao, ổn định nữa, từ đó tôi quyết định khởi nghiệp từ con chim chào mào. Yếu tố để nuôi chim chào mào thành công thì trước tiên mình phải chọn giống, chọn những con giống chất lượng. Đi kèm với đó là có sự hướng dẫn của anh em đi trước, rồi qua quá trình chăn nuôi, mình trải nghiệm sẽ có những kinh nghiệm để xử lý những vấn đế xảy ra trong quá trình nuôi".
Nhờ đam mê và học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước kết hợp với rút kinh nghiệm thực tế qua quá trình nuôi nên đàn chào mào đột biến của anh phát triển tốt. Đến thời điểm này, anh đã cho sinh sản, nhân rộng ra trên 600 con chào mào đột biến các loại; trong đó có 120 cặp chào mào bố mẹ, còn lại ở các lứa tuổi. Hiện tại, anh xây các chuồng nuôi mi ni xung quanh diện tích 2.000 mét vuông đất của gia đình. Các loại chào mào đột biến anh nuôi có giá trị cao, như: chào mào Bạch tạng, Xám nhạt, Vàng, Xám trắng… Ở thời điểm này, tùy vào loại chào mào mà giá mỗi con từ 5-7 triệu đồng (200-300 USD); thậm chí có con chào mào giá đến hàng chục nghìn USD.
Hàng chục giải thưởng tại các cuộc thi đấu chim chào mào của anh Trần Hữu Vinh - Ảnh: Nhật Trường/VOV |
Ngoài việc nuôi chim chào mào đột biến tại gia đình để kinh doanh, anh Trần Hữu Vinh còn thường xuyên “huấn luyện” các cặp đôi chào mào giỏi đi thi đấu các giải trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, anh đã giành được hàng chục giải Nhất, nhì về đấu chim chào mào. Anh cho biết chính qua các cuộc thi, anh đã xây dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị, đẳng cấp đối với mô hình nuôi chim chào mào của bản thân. Từ đó mà giá trị và đầu ra của trại chim chào mào gia đình anh rất thuận lợi. Mỗi năm, anh bán ra từ 250-300 cá thể chim chào mào đột biến để người dân xa gần nuôi và thi đấu, thu lợi nhiều tỉ đồng.
Anh Trần Hữu Vinh cho biết mô hình nuôi chim chào mào thương phẩm không cần diện tích lớn mà đòi hỏi người nuôi phải đam mê, ân cần, tỉ mỉ, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi; phải biết đặc tính, thói quen, sở thích của loại chim này. Thức ăn cho chim chào mào ngoài thức ăn công nghiệp còn có các loại trái cây, như: chuối, xoài, các loại côn trùng, sâu bọ… Đối với chim sinh sản cần xây chuồng gạch, xây thành các ô diện tích 3m2 cao 4m , bố trí cả tổ chim, cây xanh nhân tạo và có camera theo dõi quá trình sinh sản của chim. Chim chào mào đột biến nuôi sau 07 tháng là bắt đầu sinh sản; mỗi năm cặp chim đẻ từ 5-10 lứa (tùy vào điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt); mỗi lứa đẻ từ 2-3 trứng, cá biệt có nhiều trường hợp đẻ 4 trứng.
Anh Vinh cho biết: "Hiện tại, ngoài phát triển đàn chim tại trại thì tôi cũng có cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi khu vực Miền Tây và cả nước, hỗ trợ cho anh em nuôi, chọn con giống và xuất bán sau này. Về sân chơi sắp tới. tôi sẽ khai trương Câu lạc bộ chim cảnh để người yêu chim tới giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm".
Trại chăn nuôi chim chào mào đột biến của anh Trần Hữu Vinh là mô hình mới “độc, lạ” và có quy mô lớn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ việc bán chim giống, chim con, anh Vinh có doanh thu trên 3 tỉ đồng (120.000 USD)/năm. Sự thành công của mô hình này đã góp phần làm đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tiền Giang, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.