Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ ở khắp các vùng miền trên cả nước lập nghiệp, nhất là đối với phụ nữ dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Tại tỉnh Lai Châu, Công ty Cổ phần truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV, của nữ doanh nhân Khả Thị Hạnh, là một trong những mô hình thành công trong việc kết nối, sử dụng các nền tảng số để đưa các loại nông sản, đặc sản của đồng bào miền núi tới tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp đã nhận được giải khuyến khích trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công ty Cổ phần truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV được thành lập từ năm 2022, với mục đích ban đầu là mang lại trải nghiệm chân thực nhất, sinh động nhất về những vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực vùng miền núi đến với đông đảo khán giả trên toàn quốc qua kênh quảng bá trực tuyến. Trong hành trình đi tìm tư liệu để xây kênh, chị Khả Thị Hạnh và các cộng sự nhận thấy Tây Bắc có rất nhiều nông sản, đặc sản và thảo dược quý, tuy nhiên, bà con chỉ biết cách trồng và tiêu thụ tại địa phương, chưa biết cách phát triển và quảng bá sản phẩm.
Chị Khả Thị Hạnh cho biết: "Địa hình ở Lai Châu rất khó khăn, do đó, việc giao thương cũng không thuận lợi. Từ đó, Tây Bắc TV nhận thấy cần có trách nhiệm giúp bà con chuẩn hóa khai thác, đóng gói và truyền thông marketing để tiêu thụ. Khoảng cách từ vùng khai thác tới khách hàng rất xa và khách hàng ít có cơ hội để tới trực tiếp trải nghiệm và mua sản phẩm. Do đó, xây dựng kênh online trên nền tảng số và mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là lựa chọn tốt hơn để giúp bà con tiêu thụ được nông sản, đặc sản. Chúng tôi quyết định trở thành cầu nối để giúp bà con đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến với khách hàng trên cả nước".
Sản phẩm của công ty luôn được đông đảo khách hàng lựa chọn - Ảnh: baolaichau.vn |
Từ suy nghĩ đó, kênh bán hàng, phân phối các nông sản, đặc sản Tây Bắc với tên gọi Tây Bắc TV ra đời. Là một doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, ngay từ đầu, Tây Bắc TV đã chọn cách thức hiện đại để hỗ trợ người nông dân vùng cao tiêu thụ sản phẩm. Công ty phát triển theo hướng xây dựng và phát triển bài bản và chính thống để người tiêu dùng biết đến kênh bán hàng.
Theo chị Hạnh: "Đối với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp, ngay từ ban đầu, tôi nghĩ việc đầu tiên là tập trung vào cốt lõi của sản phẩm và cải tiến về mẫu mã bao bì. Việc thứ 2 là phải tập trung 60% năng lực để làm truyền thông và marketing, làm sao để khách hàng biết đến sản phẩm của mình chất lượng ra sao, được trồng ở vùng như thế nào… Hiện nay, khách hàng khi mua hàng của Tây Bắc TV rất yên tâm về chất lượng vì họ được biết nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, được nhìn thấy quy trình chúng tôi làm ra sản phẩm để gửi đến khách hàng ra làm sao…".
Trong quá trình phát triển, Tây Bắc TV gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là do yếu tố địa hình không thuận lợi. Tuy nhiên, nhờ có thương mại điện tử và các nền tảng xã hội, mọi khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã trở nên đơn giản hơn. Các sản phẩm của doanh nghiệp khi được phân phối qua các kênh, nền tảng bán hàng trực tuyến đều được kiểm soát chặt chẽ. Tây Bắc TV có Ban kiểm soát chất lượng và khách hàng có thể đánh giá xếp hạng sao đối với các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Công ty còn có bộ phận tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi khiếu nại của khách hàng về sản phẩm.
Sản phẩm OCOP của công ty được tỉnh lựa chọn trưng bày tại các hội chợ - Ảnh: baolaichau.vn |
Chị Khả Thị Hạnh cho biết: "Hằng tháng, chúng tôi đã tiếp cận đến 450.000 khách hàng trên online. Nền tảng số nói chung và mạng xã hội nói riêng có một lợi ích, đó là không giới hạn về thời gian, không gian và có thể tiếp cận nhanh, lan tỏa rộng và sinh động bằng các video và hình ảnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, Tây Bắc TV đã cùng bà con tổ chức những buổi livestream trực tiếp tại vườn, tại nơi sản xuất và nhận được rất nhiều những đơn hàng cũng như sự ủng hộ của khách hàng. Khách hàng rất hài lòng với cách giới thiệu sản phẩm trực quan, sinh động ngay tại vườn. Đấy là điều mà trước đây chúng tôi không thể làm được".
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển sôi động như hiện nay, ngày càng có nhiều kênh bán hàng trực tuyến ra đời, đáp ứng nhu cầu mua sắm lớn của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi Tây Bắc TV luôn phải có những sự thay đổi, làm mới để tiếp tục duy trì chỗ đứng trên thị trường. "Chúng tôi xây dựng hệ thống KOL (Key Opinion Leader) và KOC (Key Opinion Consumer,) cũng như nhiều kênh đa nền tảng trên mạng xã hội, từ YouTube, Facebook, Tik Tok, Zalo. Chúng tôi tối ưu sáng tạo nội dung số để được nhiều khách hàng đón nhận, duy trì phát triển nội dung và lan tỏa kênh một cách đúng, đủ, đều nhất. Hiện nay, chúng tôi đã hướng dẫn và chia sẻ lại những cách làm và kinh nghiệm cho một số chị em để làm thế nào đưa những sản phẩm của họ lên sàn online, qua đó được nhiều người biết đến. Chúng tôi rất cảm ơn các sàn thương mại đã hỗ trợ và giúp chúng tôi kết nối từ người dân ở trong bản, trong làng ra để đưa những sản phẩm chất lượng đến tận tay khách hàng" - chị Hạnh nói.
Hiện nay, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ đều đã và đang chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội để phát triển. Nhiều chị em đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu từng bước đưa sản phẩm kinh doanh lên các nền tảng xã hội website, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu, dược liệu, nông sản sẵn có ở địa phương, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công và tạo việc làm cho người dân địa phương, từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng miền và đóng góp vào nền kinh tế xã hội của đất nước.