Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế này buộc Việt Nam nỗ lực tìm những giải pháp mới, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thích ứng và phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bếp đun Lam An
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, lâm nghiệp như rơm rạ, thân- gốc- rễ- lá cây… Dự án khởi nghiệp Bếp sạch và than sạch LAM AN của anh Lê Trường An đã và đang nhận được sự đón nhận của cộng đồng xã hội. Dự án bếp sạch của công ty Lam An với nguyên liệu đốt là than sạch tận dụng từ các phụ phẩm nông lâm nghiệp qua quá trình cacbon hóa, tạo ra sản phẩm đó là than sạch. Khi than sạch được tạo ra trong quá trình cacbon hóa sẽ được sơ chế, cho vào nghiền, đổ khuôn, đem kết dính, qua máy ép để tạo ra sản phẩm định hình. Sau khi ép xong sản phẩm được sấy, phơi, đóng thùng để đưa ra thị trường.
Anh Lê Trường An, Sáng lập Dự án Bếp sạch và than sạch LAM AN, cho biết: "Dự án của chúng tôi bắt đầu từ năm 2016, khi chúng tôi thử nghiệm các phụ phẩm nông lâm nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã có những cơ sở sản xuất ép dạng thô, từ trấu, mùn cưa, chúng tôi đã đưa qua các máy ép định hình, và chúng tôi đưa vào một số nhà máy sấy nhiệt, như sấy chè… và một số ngành công nghiệp sản xuất dùng hơi như nhuộm vải, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sấy giấy… Sản phẩm của chúng tôi ép ở giai đoạn sơ chế (ép thô) gọi là củi mùn cưa, củi trấu,… thời gian đó khi chúng tôi cung cấp cho một số nhà máy công nghiệp thì chúng tôi có nghiên cứu đến sản phẩm bếp và các nguyên liệu đó để phục vụ cho thị trường đun nấu".
Anh Lê Trường An, giám đốc công ty Cổ phần đầu tư Lam An
|
Trong khoảng thời gian thử nghiệm năm 2016, dự án của Lê Trường An và các cộng sự gặp nhất nhiều khó khăn và thất bại. Đến năm 2018, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Lê Trường An đã sản xuất thành công sản phẩm than sạch với nguyên liệu là những phụ phẩm ở các xưởng sản xuất than củi. Hiện sản phẩm than sạch Lam An đã hoàn thành thử nghiệm thị trường, hoàn thiện tất cả các máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường. Trong tháng 6, Dự án đã đã đưa ra thị trường gần 30 tấn than. Trong 3 tháng tiếp theo công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện tất cả những hồ sơ về pháp lý, về bếp, làm việc với Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội để có thể quảng bá rộng rãi sản phẩm hơn nữa.
Anh Lê Trường An chia sẻ: "Các sản phẩm của chúng tôi có ưu điểm trước hết là tận dụng những phụ phẩm nông lâm nghiệp, mà hiện nay Việt Nam ta có số lượng phụ phẩm này rất lớn. Theo Tổng cục Lâm Nghiệp thì hiện nay sản lượng khai thác rừng, khai thác gỗ là vào khoảng 270 triệu tấn/năm, lượng phụ phẩm từ vỏ cây, gốc cây, cành cây… chiếm đến một nửa. Còn ở ngành nông nghiệp, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì lượng phụ phẩm rơm, rạ, trấu chiếm khoảng 9 triệu tấn/năm".
Thị trường cho sản phẩm than sạch tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, bới hiện nay gần 9% dân số vẫn sống ở nông thôn, và năng lượng điện, năng lượng hóa thạch cho bếp ga còn thiếu. Trong khi đó đầu vào để sản xuất than sạch Lam An là tận dụng những phế phẩm sẽ giúp một là bảo vệ môi trường và tiết kiệm được nguồn tài nguyên hóa thạch và góp phần giảm thiểu sử dụng điện năng.
Theo ông Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, cho biết: So với sử dụng điện, ga, sản phẩm bếp và than sạch Lam An tiết kiệm được từ 30-40% và thị trường rộng lớn với khoảng 25 triệu hộ gia đình. Đây là một dự án được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao vì giúp tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm được nhiên liệu và đặc biệt là thay thế được các chất đốt gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những dự án điển hình của Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC).
Ông Trần Duy Khanh khẳng định: "Tôi đánh giá rất cao ý tưởng của Công ty Lam An, vì hiện nay các phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trong sinh hoạt rất nhiều, đối với các nước phát triển, họ coi đây như một nguồn tài nguyên, còn đối với chúng ta thì ta phát triển chưa hợp lý. Ở các vùng nông thôn hiện nay, cứ sau mỗi mùa thu hoạch là bà con nông dân lại đốt rơm rạ, vừa gây ô nhiễm, vừa gây lãng phí, vừa gây nguy hiểm cho người đi đường. Tôi đánh giá rất cao những dự án như thế này vì nó tận dụng được phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trong sinh hoạt. Và đặc biệt đây cũng là một nguồn tài nguyên, nếu tận dụng được thì sẽ góp phần bảo vệ môi trường, khai thác nguồn phế phụ phẩm trở thành sản phẩm có giá trị. Các bạn đã khai thác nguồn phế phụ phẩm mà mọi người không chú ý để trở thành sản phẩm chính của mình".
Theo kết quả nghiên cứu về hiệu quả sử dụng so với một số nguyên liệu hóa thạch, 0.6kg than của Lam An đun được hơn 6 lít nước, hiệu suất cao hơn gần như gấp 3 lần. Người tiêu dung khi sử dụng than Lam An sẽ tiết kiệt được 2/3 chi phí. Hiện Công ty Lam An đang xin hỗ trợ triển khai dự án về bếp tiết kiệm năng lượng và sản xuất những viên than, chất đốt thay thế cho các vật liệu truyền thống.