Chuyển đổi số tại Bình Dương - Động lực để phát triển kinh tế xã hội

Huyền Lý
Chia sẻ
(VOV5) - Tháng 6 vừa qua, tỉnh Bình Dương vinh dự được lọt vào Top 7 Cộng đồng Thông minh thế giới 2022. 

Cùng với tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam, tỉnh Bình Dương cũng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, từng bước thăng hạng trong bảng đánh giá chỉ số chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số là động lực để Bình Dương tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2021, chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bình Dương xếp hạng 22/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc so với năm 2020. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC); triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, hiện nay Bình Dương đã đề ra quá trình chuyển đổi số với 3 trụ cột đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ông Tuấn Anh cho biết: "Kế thừa từ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, tiếp tục tiến trình chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung chính quyền số chúng tôi đã làm được khá nhiều công việc. Kế hoạch hành động chuyển đổi số năm 2022 tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp; ưu tiên chọn thực hiện việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp…".

Chuyển đổi số tại Bình Dương - Động lực để phát triển kinh tế xã hội - ảnh 1Quốc lộ 13 đi qua Thành phố Thuận An và TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: qdnd.vn

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phấn đấu phát triển kinh tế số với giá trị đạt được chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025, đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.

Thực tế đến thời điểm này, Bình Dương đã hoàn thiện 4/4 mức độ phát triển của chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng mạng kết nối và sử dụng hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư và tiếp tục được mở rộng với mô hình Trung tâm Dữ liệu chính và Trung tâm Dữ liệu dự phòng đáp ứng nhu cầu triển khai các dữ liệu ứng dụng dùng chung cho chính quyền, đồng thời bảo đảm hạ tầng cho việc triển khai đô thị thông minh của tỉnh.

Bình Dương đã và đang xây dựng các trung tâm nhằm thu hút lực lượng công nghệ về để phát triển các sản phẩm, nghiên cứu các công nghệ 4.0, nhà máy thông minh để từng bước ứng dụng trong thực tế sản xuất. Tỉnh dự kiến phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Chuyển đổi số tại Bình Dương - Động lực để phát triển kinh tế xã hội - ảnh 2Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương - Ảnh: binhduong.gov.vn

Về định hướng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian tới, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết: “Gắn kết các chuyên gia, các nhà khoa học để hỗ trợ tỉnh xây dựng các chiến lược về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh các chương trình đào tạo gắn kết với các vấn đề này, ví dụ như triển khai nghiên cứu số hóa cho quân sự tỉnh, nghiên cứu vấn đề đo lường trình độ phát triển kinh tế số”.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền những tiện ích của đề án mang lại phục vụ nhân dân; nâng cao quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, người dân. Đến nay, Bình Dương đã có 18/19 sở, ban, ngành và 8/9 địa phương thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, khẳng định: "Tinh thần chung là giảm tối đa phiền hà, giảm tối đa mất thời gian, trong đó chú trọng thực hiện 3 không. Đó là: không thanh toán tiền mặt; không cần đến cơ quan trụ sở hành chính mà người dân vẫn được tiếp đón giải quyết thủ tục hồ sơ và thứ 3 là làm việc hạn chế không giấy tờ".

Tháng 6 vừa qua, tỉnh Bình Dương vinh dự được lọt vào Top 7 Cộng đồng Thông minh thế giới 2022. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số ở Bình Dương cũng thăng hạng trong bảng xếp hạng cả nước. Những kết quả này tạo đà cho địa phương chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu