Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, lồng ghép bình đẳng giới trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội là trọng tâm mà Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đại diện Việt Nam tham gia diễn đàn Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển |
Thành tựu quan trọng về bình đẳng giới
Điểm nổi bật trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013), được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ hiện đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng; Thứ trưởng. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy.
Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sỹ là nữ giới. Tựu chung lại, khoảng cách giới trong cả 08 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật bình đẳng giới (2006) của Việt Nam đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92% |
Tiếp tục thực hiện bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ
Dù đã đạt nhiều thành tựu nhưng việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với những tồn tại, thách thức do tác động của nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, thiên tai, biến đổi khí hậu và sự thay đổi quy mô, cấu trúc dân số. Điều này đặt ra những thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng các chính sách và hành động cụ thể để duy trì những thành quả đang có, đồng thời giải quyết các vấn đề giới đang tồn tại, cũng như các vấn đề giới nảy sinh trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, các ngành chức năng của Việt Nam đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên cơ sở đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác.
Việt Nam cũng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào tất cả các cả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, làm nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững. Đáng chú ý nhất là năm 2019, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động với 11 đặc quyền pháp luật dành cho lao động nữ. Điều này đã bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới, thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” ở các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới”, giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động nữ, phù hợp với các công ước quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, Việt Nam còn thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Giải phóng và phát triển toàn diện đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của Cách mạng Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và thành quả của việc thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong nhiều năm qua. Thành quả này sẽ được Việt Nam tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức cao hơn trong thời gian tới.