Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Khoá 78 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và Brazil từ ngày 17-26/9. Cùng lúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria từ ngày 21- 26/9. Các chuyến công du mới nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng thành quả ngoại giao thời gian qua, tạo ra những dấu ấn mới về Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: VOV |
Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga, trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, chiều 21/9 (giờ địa phương), đến nay,Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước và có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác.
Những sự kiện, con số ấn tượng và ý nghĩa
Trong 8 ngày tại Hoa Kỳ và Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuỗi hơn 70 hoạt động tại 5 thành phố (ở Hoa Kỳ là San Francisco, Washington D.C, New York; ở Brazil là São Paulo và Brasilia). Trong chuyến thăm Bangladesh và Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thực hiện khoảng 70 hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Bangladesh và Bulgaria trên các lĩnh vực, như: văn hoá, du lịch, hợp tác địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria, ngài Rosen Zhelyazkov tiến hành họp báo. Ảnh: VOV |
Những hoạt động đối ngoại mới nhất này cho thấy Việt Nam đã hiện hữu, ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực, như: Liên hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…Về mặt kinh tế, Việt Nam ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Trong diễn biến liên quan, qua 9 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (2014-2023) , Việt Nam đã đóng góp tích cực, được ghi nhận là ngọn cờ có sức thu hút trong phong trào gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Những con số, sự kiện nêu trên có ý nghĩa quan trọng, thể hiện Việt Nam đã hình thành được mạng lưới quan hệ sâu rộng, tạo nền tảng định vị vững chắc, xác lập vị thế quốc gia có lợi trên trường quốc tế. Ngoại giao đa phương đã nâng tầm “thương hiệu Việt Nam” trên trường quốc tế, trong quan hệ song phương với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn. Ngược lại, các quan hệ song phương tạo vị thế có lợi cho Việt Nam trong ngoại giao đa phương. Qua đó, định vị vững chắc, nâng cao vị thế quốc gia, tạo nền tảng để hợp tác cùng có lợi với các nước; đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Bangladesh. Ảnh: VOV |
Thể hiện chiến lược đối ngoại với tư duy và tốc độ mới
Hiện Việt Nam đang triển khai đồng bộ các trụ cột, toàn diện các lĩnh vực ngoại giao với tư duy và tốc độ mới. Các chuyến thăm, gặp gỡ thượng đỉnh, tham dự hội nghị cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ngày càng đa mục đích, lồng ghép nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, ngoại giao đến kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục… Hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Nga, Nhật Bản... thời gian qua đã thể hiện rõ điều đó. Điển hình mới nhất là ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong dịp dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều hoạt động gặp gỡ quan chức, các tổ chức của Hoa Kỳ để cụ thể hóa các lĩnh vực, chương trình hợp tác thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực sản xuất công nghệ cao... Chưa bao giờ, việc triển khai các trụ cột ngoại giao giữa Việt Nam với các nước đối tác lại đồng bộ và kịp thời như vậy.
Cùng với việc tham gia các hoạt động đối ngoại quốc tế nhộn nhịp, việc Việt Nam ký kết nhiều văn kiện song phương, đa phương; việc các nước ủng hộ Việt Nam tham gia cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác với số phiếu cao; hợp tác ủng hộ Việt Nam trong các tình huống khó khăn… là minh chứng sinh động của sự chuyển hóa lượng thành chất trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian qua. Điều đó càng ý nghĩa trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay.
Thành công của các chuyến công du mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và những con số, sự kiện ngoại giao của Việt Nam những ngày này, đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về những giá trị tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam. Đó là một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; ngày càng đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm và chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu.