Nhân quyền lớn nhất là để hơn 100 triệu dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc

Vân +Khuyên
Chia sẻ
(VOV5) - Tại Việt Nam, một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới chính là hướng tới mục tiêu quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Ngày nhân quyền thế giới (10/12) năm nay có chủ đề “Quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta, ngay bây giờ”. 

Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp mọi người hiểu biết về quyền con người; có ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân và tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.

Nhân quyền lớn nhất là để hơn 100 triệu dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc               - ảnh 1 Học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục về quyền con người. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Những kết quả nổi bật trong giáo dục quyền con người

Việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Sau gần 40 năm đổi mới (1986), Việt Nam trở thành quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, là hình mẫu về hàn gắn và khôi phục sau chiến tranh.

Tỉ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn mới năm 2024 chỉ còn khoảng 1%. Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia.

Trẻ em được nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện đến trường; mọi người dân đều được khuyến học trên nền giáo dục quốc dân ngày càng phát triển và một xã hội học tập. Đến nay, đã phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỉ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỉ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7%.

Thanh niên, người trong độ tuổi lao động có nhiều cơ hội việc làm. Tính đến quý III năm nay, Việt Nam có 51,6 triệu lao động có việc làm, chiếm 98% lực lượng lao động.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2023 là 74,5 tuổi, cao hơn trung bình thế giới (73 tuổi). Nhà nước hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29.000 tỷ đồng/năm (1,2 tỷ USD).

Người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ được hỗ trợ; người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025.

Tại Việt Nam, mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình; được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật. Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Nhân quyền lớn nhất là để hơn 100 triệu dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc               - ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người tại Hà Nội, ngày 10/12/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 7 năm qua, Đề án giáo dục quyền con người được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các bộ, ngành, địa phương. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, ngày 10/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đối với Việt Nam, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ có tính toàn dân, toàn diện, bao trùm. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, được đặt trong tổng thể nền giáo dục, lấy học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng và thực hiện việc học tập suốt đời và xã hội học tập".

Nguyên tắc tiếp cận quyền con người là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng, thực thi chính sách

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người, Việt Nam sẽ đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ.

Việt Nam cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội.

Việt Nam cũng tiếp tục tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.

Vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, quyết tâm bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh và thịnh vượng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu