Thiên tai, bão lụt vừa xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Đảng, Nhà nước, Công an, Quân đội, các đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm đang tận dụng từng thời khắc để chung tay, giúp đỡ, hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã tuyên truyền, chia sẻ bài viết, video bịa đặt, cóp nhặt hoặc tự dựng lên để xuyên tạc tình hình, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho dù vậy, những điều đó cũng không thể chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung. - Ảnh: VOV |
Những ngày qua, thiên tai ở các tỉnh miền Trung luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm, lo lắng của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Công tác ứng phó, xử lý tình huống xảy ra trong bão lũ đã được các địa phương và các bộ, ngành chức năng phối hợp triển khai đồng bộ, nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Tại nhiều địa phương, dù đã có kế hoạch nhưng trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, việc tổ chức đại hội đảng các cấp tạm dừng lại để dành mọi ưu tiên cao nhất cho phòng chống bão lũ. Công tác tìm kiếm cứu nạn được triển khai thường xuyên, liên tục, bất kể ngày đêm. Lực lượng cứu hộ đã bám địa bàn, có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất.
Theo báo cáo ngày 10-10-2020 của Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị thuộc Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng đã huy động 8.843 bộ đội, dân quân, 200 phương tiện phối hợp các lực lượng ở địa phương ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhờ cứu hộ kịp thời cho nên lực lượng chức năng tại các địa phương đã lập được nhiều kỳ tích, tiêu biểu có thể kể đến: giải cứu thành công thuyền viên của các tàu Vietship TK 12, Vietship 09, Vietship 01, Hoàng Tuấn 26, Thanh Thành Ðạt 55 và Thanh Thành Ðạt 68 gặp nạn tại khu vực biển Cửa Việt - Quảng Trị ngày 8-10. Tiếp đó, ngày 19-10, giải cứu thành công 18 người trên xe khách biển số 43B - 024.54 bị lũ cuốn trôi ở Khe Gát (Bố Trạch, Quảng Bình…
Lãnh đạo Chính phủ quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung. - Ảnh: VGP |
Tuy nhiên do mưa lớn, lũ quét, nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, trong đó có sự mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ người dân trong bão lũ ở Quân khu 4, để lại sự cảm phục, lòng tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước.
Điều đáng nói là trước và trong khi bão lũ xảy ra tại khu vực miền Trung, Ðảng và Chính phủ thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời để chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngày 16-10, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Ðảng gửi điện về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền trung. Ngày 18-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1411/CÐ-TTg về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và tại Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ngày 19-10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho năm tỉnh miền trung để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước.
Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Quảng Bình giúp dân phòng tránh lũ. - Ảnh: VOV |
Trong các ngày qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước kịp thời có mặt ở các tỉnh gặp thiên tai để nắm tình hình, chỉ đạo phòng, chống và động viên, thăm hỏi, tặng quà người dân. Ngày 24-10, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến công tác kiểm tra khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình. Ngày 26-10, chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó bão Molave, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết, đặt công tác phòng chống bão lũ lên hàng đầu, trong đó bảo đảm an toàn tính mạng của người dân là quan trọng nhất. Chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và các lực lượng chức năng, nhiều hoạt động hướng về đồng bào miền Trung đã và đang được người Việt tiến hành trên khắp cả nước.
Có thể thấy, mỗi khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn là cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lại phát huy tinh thần tương thân tương ái, chung sức và đồng lòng sẻ chia, giúp đỡ. Ðóng góp, cứu trợ đồng bào vùng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai là truyền thống nhân văn cao đẹp của người Việt Nam.Vậy mà trong khi cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt thì những người tự xưng “dân chủ”, “nhân quyền” lại không hề có bất cứ hành động nào hướng về miền Trung, về chính những đồng bào của mình. Thay vào đó, họ lại có những bài viết lên án chính quyền, chỉ trích lực lượng Công an, Quân đội, những con người đang bất chấp nguy hiểm để bảo vệ nhân dân. Mục đích của họ, ngoài chống phá Đảng, Nhà nước, còn nhằm cung cấp những thông tin thiếu chính xác, tiêu cực về tình hình trong nước đối với cộng đồng người dân nói chung và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở. Nhưng dẫu họ có bôi đen thực tế thế nào, cũng không thể làm lu mờ truyền thống nhân văn và chia rẽ được khối đại đoàn kết toàn dân của Việt Nam.