Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của Việt Nam và tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đang tận dụng tối đa những lợi thế, phát huy tiềm năng cả về tự nhiên và nền tảng văn hoá để “cất cánh”, trở thành vùng động lực phát triển không chỉ đối với Quảng Ninh mà còn cho cả nước.
Vân Đồn ngày nay đang tận dụng những lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Xuất phát từ bến Cái Rồng đi tham quan các hòn đảo nổi tiếng Quan Lạn, Ngọc Vừng, Cô Tô, không phải du khách nào cũng biết đến một ngôi đền nhỏ nép dưới chân núi đá, đó là Đền thờ vua Lý Anh Tông, người đã ban chiếu lập trang Vân Đồn vào năm 1149, đưa nơi này trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Phát triển cực thịnh dưới thời Trần, Lê Sơ và hoạt động trong gần 7 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn không chỉ là nơi giao thương hàng hóa với các quốc gia láng giềng mà còn đóng vai trò quan trọng trên con đường vận tải biển quốc tế giữa Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải... cho đến khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Ông Nguyễn Minh Trang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: Với vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, Vân Đồn từng ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó nổi tiếng nhất là trận Tướng Trần Khánh Dư diệt đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ, buộc đại quân giặc phải rút lui và bị tiêu diệt ở sông Bạch Đằng. Cho đến tận ngày nay, nghi lễ tái hiện chiến thắng lịch sử này với tục đua thuyền trên biển vẫn được tổ chức trong lễ hội đình Quan Lạn hàng năm. Với những người sinh ra và lớn lên ở đảo, đây là những giá trị tạo nên văn hoá đặc trưng của người Vân Đồn.
Ông Nguyễn Minh Trang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - Ảnh: VOV |
Theo ông Trang: "Vùng đất này có những truyền thống ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư tình cảm, làm cho con người ở đó trân trọng, đi đâu cũng nhớ đến cội nguồn. Vân Đồn có truyền thống, văn hoá lâu đời như thế thì rõ ràng là phải giữ gìn và nâng cao lên. Với người dân Vân Đồn, đây cũng là động lực lớn cho sự phát triển".
Tuy vậy, sau những năm tháng phát triển, Vân Đồn đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi đặc thù huyện đảo tách biệt. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, kinh tế của huyện chỉ dựa vào đánh bắt hải sản, hạ tầng yếu kém với các xã đảo rải rác, giao thông khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2005, cầu Vân Đồn hoàn thành xoá thế tách biệt giữa đảo lớn Cái Bầu với đất liền. Và đến đầu năm 2015, tất cả các xã đảo mới hoà điện lưới quốc gia. Tiếp nối tầm nhìn chiến lược của cha ông, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Đồn và đến tháng 2/2020 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Gắn bó gần 20 năm với huyện đảo, ông Đoàn Hữu Mộc, ở Thị trấn Cái Rồng, phấn khởi cho biết:"Huyện khởi sắc bắt đầu từ các khu du lịch, chùa Cái Bầu. Đến khi có quy hoạch, chủ trương xây sân bay, cao tốc thì lập tức diện mạo thay đổi ngay, cơ sở hạ tầng từ đường sá giao thông, các dự án bất động sản, đầu tư xây cảng, khách tham quan rất đông, ra các tuyến đảo. Nhân dân rất kỳ vọng về tương lai, nhìn là thấy rồi, không còn phải ước mơ nữa".
Đền thờ vua Lý Anh Tông - Ảnh: phapluatplus.vn |
Từ những bãi triều đầy sú vẹt, nay những đô thị, khu dịch vụ tầm cỡ đang mọc lên. Nơi từng đón tàu buôn của Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc thế kỷ thứ XII, nay là Cảng hàng không quốc tế những chuyến bay năm châu tìm về. Từ sự độc đáo về địa lý và khác biệt về cơ chế, Quảng Ninh đã từng bước biến Vân Đồn thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư với hàng loạt dự án “khủng”, các khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, bến cảng, tổ hợp công nghệ cao, khu đô thị thông minh… hơn 60 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2021, gần 6 nghìn tỷ đồng được “đổ” vào Vân Đồn, dần hoàn thiện hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển. Song hành với kinh tế, các giá trị lịch sử, nội lực văn hoá cũng được đặt vấn đề khơi dậy mạnh mẽ hơn. Đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Quảng Ninh kỳ vọng đưa di tích này trở về đúng với vị thế, tầm vóc, khôi phục các giá trị truyền thống để tạo sản phẩm du lịch mới, khác biệt, tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: "Trong thời gian tới, Vân Đồn tập trung khôi phục các điểm di tích lịch sử, trong đó có đình Quan Lạn, lễ hội Quan Lạn - di tích phi vật thể cấp quốc gia; tập trung nghiên cứu, mời gọi các nhà đầu tư để đầu tư cho các hệ thống khu du lịch tâm linh, khôi phục thương cảng cổ trên đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi. Chúng tôi xác định đây là mục tiêu ưu tiên, đưa những khu vực này thành khu du lịch biển đảo đặc sắc, xứng tầm với quy hoạch, phát triển kinh tế Vân Đồn theo hướng đô thị biển đảo xanh, thông minh, bền vững".
Năm 2022, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ đi vào khai thác, hoàn thiện hành lang đường cao tốc Việt Nam với Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiếp tục khẳng định vị thế “mũi đột phá” của Vân Đồn trong định hướng phát triển của Quảng Ninh. Không chỉ là thương cảng của quá khứ, Vân Đồn đã và đang “mở cửa” bầu trời, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển, trở thành đầu mối giao thương, trung tâm dịch vụ của hiện tại và tương lai, mang lại những giá trị kinh tế văn hóa đặc sắc từ tầm nhìn, tư duy hướng biển của cha ông.