Rừng dừa Bảy Mẫu được coi như một thiên đường xanh ở Hội An, một vùng sông nước miền Tây giữa miền Trung. Đây là điểm tham quan độc đáo, thú vị đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm đô thị cổ Hội An.
Những chiếc thuyền thúng được sử dụng trong tuyến du lịch rừng dừa Bảy Mẫu. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây
Rừng dừa Bảy Mẫu nằm trải dài theo bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp với biển Cửa Đại, thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Rừng dừa Bảy Mẫu cách phố cổ Hội An 3 km về phía đông nên rất thuận tiện cho khách tham quan. Nếu không đi bằng đường bộ, du khách có thể đi thuyền từ bến thuyền Bạch Đằng xuôi theo dòng sông, chừng 5 cây số là tới.
Sau khi len lỏi qua những khu dừa nước, trước mắt du khách là cả một vùng rộng mênh mông, sát khu vực Cửa Đại. |
Rừng dừa Bảy Mẫu là một vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập mặn, trải rộng hơn một trăm héc ta, là “lá phổi xanh” cho không chỉ Cẩm Thanh mà cả đô thị cổ Hội An. Cây dừa trồng đầu tiên tại đây khoảng trên 200 năm. Người ta trồng dừa với mục đích tạo vành đai xanh chắn gió, chắn sóng, đối phó với mực nước biển dâng cao. Qua nhiều năm, cây dừa đã trở thành nguồn kinh tế cho người dân Cẩm Thanh. Ban đầu, người dân ở đây lấy tàu dừa khô để lợp nhà và cũng từ đó nghề làm nhà bằng cây dừa nước ra đời. Sau này, người dân địa phương đã phát triển du lịch theo loại hình du lịch làng quê sinh thái, trong đó, chèo thuyền thúng ngắm cảnh dừa nước được du khách vô cùng thích thú.
|
Chị Phạm Thị Tuyết, người chèo thuyền thúng cho biết chị đã quen với việc bơi thuyền thúng từ khi còn nhỏ. Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là vùng sinh thái độc đáo mà còn là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, là nơi che chở cho nhiều cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, Cẩm Thanh trở thành khu du lịch thì chị vui lắm và luôn cố gắng duy trì và gìn giữ không gian xanh của vùng rừng dừa: “Hồi xưa chưa có khu du lịch thì ít thuyền thúng, chỉ dùng thuyền thúng để đi câu mực. Bây giờ, số lượng thuyền thúng nhiều hơn trước vì có khách du lịch. Có hôm sử dụng đến 300-400 thuyền thúng để phục vụ du khách”.
Ảnh: Lan Anh/VOV5. |
Ngoài người chèo thuyền thì chiếc thuyền thúng chỉ chứa được hai người khách để thuyền dễ di chuyển và an toàn. Ngồi trên thuyền thúng ngắm cả một vùng rừng dừa rộng mênh mông, hòa mình vào sông nước hoặc len lỏi qua những tán dừa nước xanh um, quả là thú vị.
Khu rừng dừa nước này là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài động vật dưới nước lẫn trên cạn, các loài thủy sinh vùng ven biển, cửa sông, là môi trường sống của rất nhiều loài động vật như cua, ghẹ, tôm, cá. Do đó, trên mỗi chiếc thúng còn có 2 đến 3 chiếc cần câu để du khách thỏa thích câu những con cua, con cáy nhỏ ở sát những gốc dừa nước rậm rạp.
Nguyễn Hữu Trung Hiếu say mê với trò chơi câu cua. |
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cháu Nguyễn Hữu Trung Hiếu, học sinh lớp 6, rất thích thú với trò chơi câu cáy: “Lần đầu tiên con được ông bà ngoại và mẹ cho đi thăm rừng dừa Bảy Mẫu. Ở đây toàn dừa là dừa và rất nhiều thuyền thúng. Em thấy vui vì câu được nhiều cua. Chuyến đi du lịch rất thú vị và cho con nhiều trải nghiệm”. Một cái thú nữa của khách tham quan trong chuyến du ngoạn ở rừng dừa là được thưởng thức màn trình diễn múa thúng điệu nghệ, đẹp mắt với tiết tấu nhanh, mạnh của người dân nơi đây.
Nhiều khách quốc tế lại thích tham gia vào tour du lịch trồng dừa nước để bảo vệ môi trường. Trên diện tích bãi bồi của xã Cẩm Thanh, ngay gần biển Cửa Đại, họ xuống thuyền, lội nước và tự tay trồng cây dừa non xuống nước theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Kết thúc tuyến du lịch, khách tham quan có thể ghé vào các chòi lá của người dân nghỉ ngơi và thưởng thức những những món ăn đậm đà của vùng làng quê, sông nước như rau càng cua, búp chuối, nghêu hấp, bánh đập hến xào .v.v.
Hiện nay, số lượng khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa Cẩm Thanh ngày càng tăng. Vào ngày lễ, tết số lượng khách có thể tăng lên khoảng 1000 lượt. Lãnh đạo thành phố Hội An đã và đang thực hiện một số dự án nhằm giữ cảnh quan và không gian xanh của rừng dừa và phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường ở Cẩm Thanh. Ông Kiều Cư, Bí thư thành ủy Hội An, cho biết: “Hội An đang phải cố gắng làm sao có thêm các nguồn thu để phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Hội An đang tập trung phát triển các vùng ven như phát triển du lịch ở xã Cẩm Thanh, tạo những điểm vui chơi, giải trí lôi cuốn khách”.
Rừng dừa nước Cẩm Thanh đang được người dân Cẩm Thanh bảo vệ, phục hồi và mở rộng vừa với mục đích tạo cảnh quan hài hòa, xanh đẹp đồng thời góp phần phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường là những tiêu chí trong phát triển du lịch ở Cẩm Thanh.