Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Kết thúc Giải vô địch Thể dục dụng cụ thế giới 2015, Phạm Phước Hưng lọt vào nhóm dự giải tiền Olympic 2016 tại Brazil vào tháng 4/2016 cùng vận động viên Phan Thị Hà Thanh. Để chuẩn bị cho giải đấu này, Phước Hưng đã sang Trung Quốc tập huấn ngay từ đầu năm, xuyên qua Tết Nguyên đán. Dù không tránh khỏi nỗi buồn khi xa nhà, nhưng anh cũng như nhiều vận động viên khác đều sẵn sàng cho một cái Tết khổ luyện để hướng đến mục tiêu lớn hơn:“Bây giờ ở nhà có gia đình, bạn bè. Không được ăn Tết ở nhà thì tất nhiên là tôi buồn nhưng cũng chỉ năm nay vì mục tiêu cao nhất là giành được vé đi Olympic cho nên tôi cũng xác định được tư tưởng rồi. Đối với tôi, cơ hội không còn nhiều nữa, tôi cũng cố gắng bỏ đi những nhu cầu cá nhân mà hướng đến mục tiêu cao nhất và hy vọng sẽ làm được tốt những mục tiêu đó”.
|
Phạm Phước Hưng. Nguồn: thethao24.tv |
Đối với Phạm Phước Hưng, Tết xa nhà không còn xa lạ khi anh phải làm quen ngay từ những năm còn là học sinh tiểu học. 7 tuổi, Phước Hưng đã bắt đầu hành trình luyện tập gian khổ nơi đất khách quê người, để đến bây giờ, sau nhiều năm, kí ức tuổi thơ về những cái Tết xa quê vẫn rất rõ ràng: “Những cái Tết nhớ nhất của tôi là năm tôi 9, 10 tuổi. Lúc ấy, các thầy có việc về Việt Nam, không ăn Tết cùng, đội lúc đấy còn mấy anh em thì rủ nhau ra công viên hoặc sang đội thể dục dụng cụ nữ chơi với nhau, hoặc đi xem pháo hoa. Hầu hết không có mâm cỗ như ở Việt Nam, chỉ có đồ ăn vặt trẻ con thôi”.
Nhớ lại những cái Tết xa con khi con còn quá nhỏ, bà Ngô Thị Vân Hồng, mẹ Phước Hưng chia sẻ: “Tôi phải khóa cửa nhà và đi về nhà ngoại 6 tháng để quên đi việc cho con đi tập huấn rồi. Cứ ăn cơm lại nhớ đến con là khóc. Hết năm thứ nhất, Tết con không được về, năm thứ 2 con mới được về thì mẹ đến gọi con mà con không nhận ra mẹ. Mẹ ôm con rồi hỏi sao mẹ gọi con mà con không thưa, con bảo sao mẹ khác thế. Thế là mẹ lại ôm con rồi khóc”.
Cuộc sống gắn liền với khổ luyện vất vả nhưng đổi lại, những tấm huy chương khu vực và thế giới là động lực để Phước Hưng tiếp tục gắn bó với sự nghiệp suốt 21 năm qua. Và trên hết, thể dục dụng cụ đã góp phần quan trọng tạo nên bản lĩnh Phước Hưng, tôi luyện anh không bao giờ đầu hàng trước những thử thách. Điều này thể hiện rõ ở thời điểm anh bị chẩn đoán mắc bệnh lao xương, cột sống bị ăn mòn 2 đốt, tưởng như phải giã từ sự nghiệp. Vậy mà sau đó, nhờ điều trị tích cực và nghị lực phi thường, chàng trai này đã trở lại với thành tích còn ấn tượng hơn trước, trong đó có tấm vé dự Olympic 2012, huy chương vàng Cúp Thể dục dụng cụ thế giới năm 2013 tại Slovenia.
Tại giải vô địch thế giới 2015 được tổ chức ở Scotland, Phước Hưng đã biểu diễn một động tác lần đầu tiên xuất hiện tại làng thể dục dụng cụ ở nội dung vòng treo. Động tác này được ghi danh trong sách kỹ thuật của Liên đoàn Thể dục dụng cụ thế giới và mang tên Phạm Phước Hưng. Thành công đó có thể coi là dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời vận động viên của Hưng: “Thực ra động tác tôi nghĩ ra không phải khó lắm nhưng trên thế giới chưa ai làm cả. Và trong thi đấu thì tôi cũng đã mạnh dạn thử động tác này, chấp nhận rủi ro và thực hiện thành công, qua đó được liên đoàn thể dục thế giới công nhận là động tác mới. Tôi rất vui và hy vọng trong tương lai các vận động viên Thể dục dụng cụ của Việt Nam sáng tạo hơn nữa, có thể thêm nhiều động tác ghi tên vận động viên Việt Nam hơn nữa trong luật Thể dục dụng cụ thế giới”.
Kết thúc giải Vô địch thế giới, Phạm Phước Hưng hoàn thành mục tiêu tối thiểu là lọt vào nhóm dự giải tiền Olympic 2016. Tại giải này, nếu vào nhóm 24 vận động viên dẫn đầu thì mơ ước lần thứ 2 được tham dự đấu trường lớn nhất thế giới của Phước Hưng sẽ thành hiện thực.
Phạm Phước Hưng từng dự Olympic London 2012 tại Vương quốc Anh, từng tranh tài ở đấu trường khắc nghiệt nhất của thể thao đỉnh cao thế giới. Olympic Rio 2016 có thể là kỳ Thế vận hội cuối trong sự nghiệp nên dù phải ăn Tết xa nhà thêm một lần nữa, anh dồn hết quyết tâm để chinh phục những gì mình chưa làm được.