Nhà thơ Hùng Đình Quý và chuyện cột cờ trên đỉnh Lũng Cú

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -Kể từ đó, lá cờ Tổ quốc 54m2  tượng trưng 54 dân tôc anh em ở Việt Nam luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cùng năm đó, cột cờ Lũng Cú - di tích lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia cũng đã được xây dựng mới vững chắc, trở thành điểm du lịch thiêng liêng. Nhìn là cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài đỉnh núi, nhiều người đến đây không khỏi trao dâng cảm xúc trước biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, nhưng có lẽ ít người biết người có công xây dựng con đường lên Lũng Cú và dựng cột cờ đầu tiên trên đỉnh núi là nhà thơ dân tộc Mông Hùng Đình Quý.

Nhà thơ Hùng Đình Quý và chuyện cột cờ trên đỉnh Lũng Cú - ảnh 1Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Trong lần trờ lại tỉnh Hà Giang lần này chúng tôi gặp anh Hùng Đại Kỳ, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa của tỉnh Hà Giang, là con trai của nhà thơ Hùng Đình Quý. Anh Kỳ đưa chúng tôi tới thăm nhà của nhà thơ Hùng Đình Quý ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang hơn 10 km. Nhà thơ Hùng Đinh Quý năm nay đã 82 tuổi. Ông từng là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Hà Giang nhưng vẫn ở ngôi nhà Trình tường của dân tộc Mông cùng với vợ là bà Lò Thị Mỹ dân tộc Lô Lô. Cách đây 60 năm câu chuyện tình của hai ông bà từng nổi tiếng khắp vùng, bởi ông là người Mông đầu tiên dám bỏ tập tục cũ để lấy một phụ nữ dân tộc Lô Lô làm vợ.

Nhà thơ Hùng Đình Quý và chuyện cột cờ trên đỉnh Lũng Cú - ảnh 2Nhà thơ Hùng Đình Quý 

Trong câu chuyện của mình, ông kể: đời ông có 2 sự kiện lớn, đó là tham gia làm đường ô tô lên cột cờ Lũng Cú và kết hôn cùng cô học trò người dân tộc Lô Lô mà ông yêu quý. Trong số 3 cậu con trai, ông đặt tên con trai út là “Đại Kỳ”, nghĩa là lá cờ lớn và đó cũng là kỷ niệm lớn nhất của đời ông. Nhớ lại kỷ niệm xưa ông kể: hồi ấy đường lên mảnh đất thiêng liêng này rất chênh vênh, toàn núi đá, vực sâu hiểm trở.

Nhà thơ Hùng Đình Quý và chuyện cột cờ trên đỉnh Lũng Cú - ảnh 3Vợ chồng nhà thơ Hùng Đình Quý 

Bao đời nay, người dân vùng địa đầu này vẫn “sống trên đá và chết vùi trong đá”, bởi vậy việc mở con đường này chưa ai dám nghĩ đến: "Lúc đó tôi là Phó chủ tịch huyện đưa đoàn cán bộ đi từ thị trấn Phổ Bàng lên cột cờ. Lúc ấy chỉ là đường mòn, leo dốc khó đi lắm. Tôi nghĩ nếu làm hẳn một con đường từ xã Ma Lé lên Lũng Cú đến cột cờ là điểm cực Bắc của đất nước, nếu bác Hồ còn sống thì mừng lắm. Cứ nghĩ thế nên sau khi đưa đoàn cán bộ trở về tôi báo cáo thì được tập thể Ủy ban đồng ý và phân công tôi làm trưởng ban xây dựng con đường này." 

Hăng hái nhận nhiệm vụ, nhưng khi bàn phương án cụ thể khiến ông lo lắng. Lúc ấy chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, cứ làm theo kiểu cũ khó mà xong trước Tết. Ông chợt nghĩ đến cách làm nền nhà “khoán” của đồng bào Mông, nên bàn với Ban chỉ đạo chia 13 km đường cho các xã, rồi từng xã lại phân công đến từng hộ gia đình, tính ra hộ nhiều lao động làm khoảng 7 mét đường, còn hộ ít làm 3 mét.

Bàn tổ chức xong, đến ngày làm đường, không ngờ dân 19 xã trong toàn huyện ủng hộ nhiệt tình. Nhiều gia đình dựng lán trại tại chỗ, mang theo con cái, đem hết dụng cụ, mang theo cả xe bò kéo, làm ngày làm đêm…không ngờ chỉ trong vòng 1 tháng làm xong con đường. Làm xong đường, ông lại được phân lo tổ chức lễ khánh thành thông xe, vì lần đầu tiên trong lịch sử Đồng Văn có xe ô tô lến tận chân cột cờ. Hồi đó có chuẩn bị một lá cờ nhỏ ở sân khấu, nhưng khi thấy con đường mới mở rộng rãi và để khẳng định chủ quyền quốc gia cần phải có cột cờ lớn hơn. Nói là làm, ông huy động 20 thanh niên tìm một cây thông dài 15 mét đường kính 20 cm dựng thành cột cờ cao trên đình núi Rồng.   

Vào lúc 16 giờ ngày 11-1-1978, ông Hùng Đình Quý lúc ấy là Phó chủ tịch huyện Đồng Văn và ông Ly Sìa Pó, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Cú được vinh dự đứng ra thượng kỳ. Kể từ đó, lá cờ Tổ quốc 54mtượng trưng 54 dân tôc anh em ở Việt Nam luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Nhà thơ Hùng Đình Quý và chuyện cột cờ trên đỉnh Lũng Cú - ảnh 4Con đường lên Cột cờ Lũng Cú 

Nhớ lại giây phút lịch sử đó, nhà thơ Hùng Đình Quý vẫn không khỏi xúc động: " Tôi tự hào là người đầu tiên cắm cột cơ Lũng Cú trên đình núi mà nay trở thành cột cờ quốc gia. Sau này theo gợi ý của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tỉnh Hà Giang đã vận động các doanh nghiệp và người dân cả nước cùng  tôn tạo côt cờ Lũng Cú thành cột cờ quốc gia quy mô lớn như hiện nay. "

Cột cờ Lũng Cú đã trải qua rất nhiều lần được trùng tu, xây mới, nhưng lá cờ thì vẫn giữ nguyên diện tích 54m2. Lá cờ được treo trong ngày lễ thông xe đường vào Lũng Cú nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Cột cờ Lũng cú ngày nay được xây mới uy nghi, bề thế. Cột cờ mới cao đến 33,15m, trong đó riêng phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m. Trong thân cột có 135 bậc lên đỉnh; chân cột hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử Việt Nam. Phần cầu thang dẫn từ chân núi lên đến chân cột cờ được xây dựng, lắp đặt hệ thống lan can, tay vịn bằng inox bền chắc, sáng bóng, để ai cũng có thể đi được.

Nay tuổi đã cao sức đã yếu, song ông vẫn mong có dịp được trở lại thăm côt cờ Lũng Cú,. Trong câu chuyện ông nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng để cán bộ nhân dân tỉnh Hà Giang làm nên những con đường lịch sử, bởi chính người đã đặt tên con đường Mã Pì Lèng lên cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc là con đường “ Hạnh Phúc” với ý nghĩa đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Sau này dù trải qua nhiều cương vị công tác, là Giám đốc Sở Văn Hóa thông tin, rồi Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, ông dành nhiều thời gian sáng tác thơ về chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã sáng tác tập thơ “Người Mông nhớ Bác Hồ” và gần đây nhất là tập thơ “Hoa nở trên đá” nói lên tình cảm của đồng bào dân tộc Mông đối với Bác Hồ. Ông tâm sự: tình cảm ấy sẽ còn theo ông suốt cuộc đời

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu