Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình là người tâm huyết, cống hiến hết mình cho ngành giáo dục. Nay đã 84 tuổi, ông vẫn làm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO), địa chỉ số 4 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội. Nhà giáo Trịnh Ngọc Trình vừa được vinh danh là 1 trong 10 công dân Ưu tú Thủ đô Hà Nội năm 2018.
Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình là người tâm huyết, cống hiến hết mình cho ngành giáo dục -Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quê quán ở tỉnh Ninh Bình, thời niên thiếu, năm 1945 khi ấy 11 tuổi, cậu bé Trình tình nguyện làm giao liên cho bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong một lần đưa thư, bị địch phục kích, dù đạn địch bắn nát một tay nhưng Trình vẫn nén đau chạy bộ 3km hoàn thành nhiệm vụ, rồi ngất lịm. Để cứu mạng sống em, các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ cánh tay bị thương. Cảm động trước lòng dũng cảm của em, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, người phẫu thuật cho Trình, viết truyện ngắn tựa đề “Em Ngọc”. Câu chuyện “Em Ngọc” được đưa vào “Tuyển tập văn lớp 5”, trở thành tài liệu học tập cho các thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trịnh Ngọc Trình làm giáo viên nhiều năm ở vùng miền núi Tây Bắc. Ông cũng từng giảng dạy ở trường Đại học sư phạm Hà Nội. Trên cương vị là Bí thư Đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội, ông cùng tập thể Ban chấp hành đoàn trường khởi xướng và phát động phong trào “ba bất kỳ” ở các chi đoàn của trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó được Thành đoàn Hà Nội đổi tên thành phong trào “Ba sẵn sàng”. Phong trào “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan tỏa thành phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Ông Trịnh Ngọc Trình nhớ lại: “Đêm 30/4/1964 cán bộ, giáo viên, sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội làm lễ phát động phong trào ba sẵn sàng. Khẩu hiệu ba sẵn sàng là sẵn sàng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất kỳ việc gì mà Đảng, nhân dân và tổ quốc giao phó. Một tuần sau cả Hà Nội phát động phong trào ba sẵn sàng rồi cả miền Bắc đâu đâu cũng vang lên phong trào ba sẵn sàng”.
Năm 1965, ông chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến năm 1975 chuyển về Đại học Sư phạm Hà Nội là Trưởng phòng công tác chính trị. Ông đề xuất thành lập bộ môn “Giáo dục thời sự chính sách”; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và giảng dạy cho sinh viên về những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước tới sinh viên.
Từ tháng 3/1990 đến nay, ông Trịnh Ngọc Trình giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi. Ông cùng Trung tâm tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức quốc tế và trong nước giúp đỡ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bà con dân tộc miền núi. Đến nay, đã có hơn 200 chương trình, dự án phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó đa số là các dự án giáo dục. Ông Trịnh Ngọc Trình cho biết: “Hiện nay chúng tôi giúp trường cấp 2 Ninh Thắng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình xây dựng Trung tâm máy tính với 10 máy tính. Chúng tôi lập Quỹ học bổng “Em Ngọc” ở trường cấp 1, cấp 2 Ninh Thắng, mỗi trường 150 triệu để khen thưởng học sinh nghèo, học sinh bị nhiễm chất độc da cam, học sinh mồ côi cha mẹ. Dự án khác là xây dựng Trung tâm học tiếng Anh thông minh cũng ở trường Ninh Thắng. Hội hữu nghị Việt - Anh phân công tôi thực hiện dự án của ông Len Adis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt, trước khi mất ông Len Aldis gửi tặng Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam 1,4 tỷ đồng. Chúng tôi lấy lãi hàng năm của 1,4 tỷ này để làm học bổng trao tặng học sinh nghèo, học sinh nhiễm chất độc da cam. Với số tiền này hàng năm có 120 học bổng, mỗi học bổng trị giá 500.000 đồng”.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển giáo dục miền núi. Qua đó, đúc rút kinh nghiệm thực tế để hoạt động ngày càng hiệu quả. Trung tâm còn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ông Trịnh Ngọc Trình cho biết: “Dự án điển hình là dự án nông nghiệp ở xã Cường Lợi và xã Tam Ngư huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Chúng tôi giúp nông dân trồng cây đậu tương để xóa đói giảm nghèo, 2 xã mỗi xã trồng 5 ha cây đậu tương. Về sau chúng tôi nhân rộng ra cả huyện Na Rì với diện tích hơn 80 ha và hiện nay đã lên tới hàng trăm ha. Chúng tôi cử giáo sư, kỹ sư nông nghiệp tới hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc”.
Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, ông Trịnh Ngọc Trình đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen. Những nơi ông tới, bà con gọi ông bằng những tên gọi trìu mến, thân mật như “Em Ngọc”, “Anh thương binh”, “Anh ba sẵn sàng”, “Thầy giáo một tay”, “Ông già của người nghèo”. Nhưng ông vẫn thích được gọi là thầy giáo, bởi cuộc đời ông là chặng đường không ngừng đem cái chữ đến vùng sâu, vùng xa, nơi học sinh còn khó khăn.