Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời

Hòa An
Chia sẻ
(VOV)- Được làm việc, được đem những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, đã trở thành niềm vui sống trong con người chị...

(VOV)- Được làm việc, được đem những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, đã trở thành niềm vui sống trong con người chị...

1. Cách đây gần 30 năm, trên làm sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam - có một cây bút đã để lại trong lòng thính giả nhiều ấn tượng và tình cảm sâu sắc. Đó là nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc- nguyên phóng viên Ban Thời sự, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN.

Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng chỉ qua những tác phẩm báo chí được chính nhà báo Kim Cúc thể hiện bằng giọng đọc của mình trên làn sóng phát thanh, nhiều thính giả đã yêu mến và gửi tới chị tình cảm ấm áp qua những lá thư.

Rất nhiều bức thư của thính giả được nhà báo Kim Cúc lưu giữ đến tận bây giờ. Chị trân trọng coi như là báu vật. Đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị, là niềm khích lệ, là động lực để chị vượt qua bao thăng trầm, buồn vui của cuộc đời.



 Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời - ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc


Trong bộ “sưu tập” thư của chị, có nhiều thư của người “bạn già” 70 tuổi là ông Nguyễn Văn Trợ, ở bản Máy Đường, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Như lâu ngày được gặp bạn tri kỷ, người thính giả này kể cho nhà báo nghe đủ thứ chuyện, từ chuyện làng ông thích nghe đài như thế nào, đến chuyện xã ông nộp thóc nghĩa vụ tốt ra sao, kể cả chuyện ông đi xe ôm tận 30km để ép lát tích tấm ảnh và lá thư mà nhà báo Kim Cúc gửi cho gia đình ông…

Hay như lá thư của cô gái trẻ gửi từ Sìn Hồ (Lai Châu) cách đây 13 năm. Cô gái đầy hoang mang, sợ hãi khi đôi chân của mình tự nhiên không đứng vững được nữa. Trong lúc tuyệt vọng, cô gái đã đặt trọn niềm tin vào nhà báo Kim Cúc, khi mà chỉ được nghe giọng chị qua làn sóng của Đài TNVN.

Không để cô gái ấy phải chờ đợi, nhà báo Kim Cúc đã viết ngay một lá thư động viên, chia sẻ qua sóng chương trình “Radio của bạn”. Sau một thời gian ngắn thư đi, thư lại, hai cô cháu trở nên thân thiết. Rồi một ngày, nhận được tin cô gái thông báo đã đi lại được do kiên trì tập luyện, nhà báo Kim Cúc cứ lâng lâng niềm hạnh phúc.

Rồi thư của bác Hàn Lang, một nhà giáo ở Phú Thọ nghe Đài TNVN gần 60 năm, luôn viết thư cho chị với những tình cảm chân thành, cả những đóng góp xác đáng cho làn sóng Đài TNVN.

2. Để có được sự tin yêu của thính giả, chị đã phấn đấu không mệt mỏi trong chặng đường làm báo phát thanh 36 năm của mình. Năm 1970, cô nữ sinh khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tốt nghiệp ra trường mang trong mình bao nhiệt huyết của tuổi trẻ thời đất nước có chiến tranh.

Nhà báo Kim Cúc tâm sự: “Ai ai lúc đó cũng hừng hực ước mơ cống hiến. Đối với chúng tôi, làm công việc gì cũng là hạnh phúc vì được góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tôi may mắn được phân công về làm việc tại CP90 (mật danh của Đài Phát thanh Giải phóng A). Khi biết mình sẽ trở thành một biên tập viên, phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng, tôi rất vui, xen lẫn niềm tự hào”.

Những ngày đầu mới làm việc, tuy đầy khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng chị và các đồng nghiệp luôn tìm ra ý nghĩa của công việc. Chị nhớ mãi lời của ông Nguyễn Thành, lúc đó là Giám đốc và Trưởng Ban Biên tập của Đài CP90: “Dù không ra mặt trận, song công việc ở đây cũng rất khẩn trương và thử thách. Các em sẽ trưởng thành trong nghiệp vụ và trong phẩm chất chính trị nếu các em yêu nghề và có lòng nhiệt tình. Mong các em cố gắng để xứng đáng với danh hiệu là phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng”.

Làm việc ở CP90 là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm sâu đậm đối với nhà báo Kim Cúc và những đồng nghiệp trẻ. Có một sự kiện mà nhà báo Kim Cúc cũng như nhiều nhà báo làm việc ở CP90 sẽ mãi mãi không quên. Đó là vào trưa ngày 30/4/1975, mọi người như vỡ òa khi nhận được tin “Sài Gòn giải phóng”.

Nhà báo Kim Cúc kể lại: “Từ các phòng biên tập đến các phòng thu, tất cả chúng tôi như sống trong không khi hân hoan mà xúc động. Tiếng pháo nổ, tiếng cười nói từ các phòng làm việc, có cả tiếng khóc vì quá vui mừng…”.

3. Là phóng viên Thời sự, nhà báo Kim Cúc có cơ hội được đi nhiều nơi. Mỗi lần đi là một lần trải nghiệm đối với chị về con người và cuộc sống. Từng con chữ, từng bài báo của chị chứa chan tình cảm, trăn trở về trách nhiệm của một người làm báo đối với cuộc sống, trước những số phận của con người. Có lẽ vì thế, nên mỗi lá thư của thính giả gửi về Ban Thời sự, đều được chị trân trọng và tìm hiểu cặn kẽ.


 Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời - ảnh 2
Một thế mạnh của nhà báo Kim Cúc được thính giả và đồng nghiệp ghi nhận- đó là tường thuật trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước (ảnh: Hồng Quân)


 Câu chuyện điều tra về cái chết của em học sinh lớp 5 Nguyễn Văn Thanh ở Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) đã cách đây 25 năm cũng được bắt đầu từ những dòng thư của thính giả gửi tới Đài TNVN.

Dòng chữ “Thư kêu cứu” của bà con xã Hiền Lương, huyện Sông Thao đã khiến chị lưu tâm, đọc kỹ từng chữ trong thư. Chị báo cáo sự việc và xin phép lãnh đạo Ban Thời sự và cùng đồng nghiệp ở các báo khác lên đường tìm hiểu sự việc.

Để đến được xã Hiền Lương, các nhà báo phải đi đò, rồi đi bộ nhiều cây số. Có hôm phải làm việc đến 1, 2 giờ sáng để tìm hiểu cặn kẽ vụ việc.

Sau loạt bài điều tra của nhà báo Kim Cúc được phát trên làn sóng phát thanh của Đài TNVN cũng như các cơ quan báo chí khác, sự thật về cái chết của em học sinh nghèo đã được phanh phui. Người gây ra cái chết tức tưởi cho em Nguyễn Văn Thanh phải trả giá cho hành động của mình bằng 15 năm tù.

Phóng sự điều tra của nhà báo Kim Cúc về cái chết của em Nguyễn Văn Thanh năm ấy được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Bằng khen.

4. Một thế mạnh của nhà báo Kim Cúc được thính giả và đồng nghiệp ghi nhận- đó là tường thuật trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước như lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, lễ đón các nguyên thủ quốc gia…

Chị là phóng viên có may mắn được lãnh đạo Đài TNVN cử sang Bruneir phản ánh lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Khi thực hiện các sự kiện quan trọng đó, chị đều dồn hết tâm huyết để viết và thể hiện qua giọng đọc truyền cảm của mình trên làn sóng Đài TNVN.

Sau hơn 30 năm miệt mài gắn bó với làn sóng phát thanh, năm 1994, nhà báo Kim Cúc được cử giữ chức Phó Trưởng Ban Thời sự Đài TNVN. Chị cũng là trường hợp duy nhất không qua vị trí Trưởng ban, được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN vào năm 1996 thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm.

10 năm làm công tác quản lý trên cương vị Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, nhà báo Kim Cúc cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đài luôn trăn trở để có những đổi mới trên lĩnh vực phát thanh, thời điểm có quá nhiều phương tiện thông tin bùng nổ. Phát thanh trực tiếp được chú trọng trở lại, được xem như một phương thức thông tin thu hút thính giả nghe Đài. Và đến tận bây giờ, phát thanh trực tiếp vẫn là phương thức thông tin có hiệu quả.

Trên cương vị Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, nhà báo Kim Cúc không có nhiều thời gian để trực tiếp tham gia viết các bài điều tra, nhưng niềm đam mê nghề nghiệp luôn cháy bỏng trong chị. Chị khuyến khích, tạo điều kiện để các đồng nghiệp và các nhà báo trẻ có cơ hội dấn thân vào con đường làm báo chuyên nghiệp.

 Có nhiều loạt bài điều tra của các đồng nghiệp, dưới sự chỉ đạo và ủng hộ nhiệt tình của nhà báo Kim Cúc, đã thành công và tạo được dấu ấn đậm nét trong dư luận. Điển hình là loạt phóng sự điều tra của nhà báo Minh Đức về việc phá dỡ chợ Đồng Xuân, Hà Nội sau khi xảy ra vụ cháy.

Vụ việc được bắt đầu từ sự kêu cứu của nữ kỹ sư Hứa Thúy Lan, người được giao giám sát việc phá dỡ 1/4 khu chợ. Sau khi thẳng thắn tố cáo việc làm ăn gian dối của Ban Quản lý chợ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, chị Lan bị gán tội vu cáo và bị cho thôi việc. Sau thời gian dài gõ cửa nhiều nơi kêu cứu, không nhận được sự hồi đáp, đã có lúc chị Lan tuyệt vọng, tìm đến cái chết.

Sau hơn hai năm trời ròng rã theo đuổi vụ việc (từ năm 1999 đến năm 2001), cuối cùng nhà báo Minh Đức đã đưa được vụ việc ra ánh sáng.

Nữ kỹ sư Hứa Thúy Lan được quay lại làm việc và nhận lại số lương trong suốt 2 năm bị cho thôi việc. Và quan trọng hơn, nhà báo đã đem lại danh dự, niềm tin vào công lý cho những con người như nữ kỹ sư Hứa Thúy Lan.

Sau này, nhà báo Kim Cúc, Minh Đức và chị Hứa Thúy Lan đã trở thành những người bạn thân thiết.

Hơn 8 năm làm Chủ nhiệm CLB, Tổng Biên tập đặc san Bút Nữ, nhà báo Kim Cúc dành tất cả thời gian cho hoạt động báo chí - một công việc chị vô cùng đam mê và tâm huyết. Chị và Ban Chủ nhiệm CLB thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cho các nhà báo nữ. Từ các chuyến đi đến Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, viếng 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc… là những cuộc trải nghiệm đầy thú vị đối với các nhà báo nữ. Cũng từ những chuyến đi này, nhiều bài viết, phóng sự đầy chất lửa của các nhà báo nữ đã ra đời, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

5. Giờ đây, sau gần 40 năm dành trọn tình yêu, tâm huyết cho làn sóng phát thanh, nhà báo Kim Cúc tâm sự, đã đến lúc chị muốn có thời gian nhiều hơn dành cho mình, cho bạn bè và người thân. Chị muốn được thảnh thơi để được chiêm nghiệm về cuộc sống với tất cả sự bình yên trong tâm hồn.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, nghỉ hưu thường làm cho con người già đi bởi sự hụt hẫng. Nhưng đối với nhà báo Kim Cúc, điều này dường như không phải thế. Chị trẻ và đẹp hơn với vẻ đẹp hồn hậu vốn có. Đôi mắt chị luôn lấp lánh ánh nhìn ấm áp mà bất cứ ai gặp chị, đều cảm thấy ấm lòng và yêu hơn cuộc sống này.

Cũng có lẽ vì tình yêu cuộc sống, con người, yêu hết thảy mọi thứ trên đời, mà trong căn hộ xinh xắn của chị luôn tỏa ra một sự ấm cúng đến lạ kỳ. Từ những chiếc đồng hồ, những con thú bằng đá, bằng gỗ ngộ nghĩnh, đến những con búp bê hay những ông thần tài mà chị đã kỳ công mang về từ những chuyến đi công tác ở trong nước và nước ngoài, đều như được chị thổi vào đó một sức sống. Tất cả cùng chuyển động, cùng tạo nên không khí ấm áp đầy yêu thương. Mọi thứ trong căn nhà đối với chị đều đáng yêu. Vì chị luôn tâm niệm rằng, mỗi căn nhà đều có một sự sống, một số phận như con người vậy.

Trong căn hộ của mình, chị trân trọng lưu giữ những kỷ niệm về một thời làm báo phát thanh, để ngày ngày chị có thể đắm mình vào đó, để được trở về với một thời làm báo đầy vất vả nhưng sôi nổi, nhiệt huyết mà chị đã dành trọn cuộc đời cho nó.

“Khi chia tay với bất cứ niềm đam mê nào, ai mà không bâng khuâng nhớ tiếc và lưu luyến. Đam mê nghề nào cũng vậy, đặc biệt là nghề báo, nó đeo đẳng, lôi cuốn người ta cả cuộc đời... Tự sâu thẳm lòng mình, nghề báo với tôi vẫn là máu thịt, tình yêu mãi mãi. Nghề báo đã cho tôi nhiều điều, để mỗi khi nghĩ lại, tôi thấm thía hơn niềm hạnh phúc của một đời làm báo”- Nhà báo Kim Cúc tâm sự.

Hôm nay đây, ngồi lật giở những bức thư thính giả gửi cho mình, chị lại cảm thấy nghẹn ngào, rưng rưng. Bức thư của Đại tá Nguyễn Thuận ở đảo Trường Sa lớn cách đây gần 17 năm giờ đây đã ngả vàng theo thời gian, và người viết bức thư này cũng không còn nữa, nhưng bức thư luôn được chị gìn giữ cẩn thận như một báu vật để mỗi khi giở thư ra đọc, chị lại được sống với những ký ức về Trường Sa- vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã 17 năm trôi qua. Năm ấy, chị là một trong những nhà báo nữ đầu tiên ra Trường Sa. Ở đây, chị nhận biết được vẻ đẹp của người lính đảo. Mỗi cảnh vật, con người nơi đây đều làm cho trái tim phụ nữ của chị run lên vì xúc động. Chị đã rơi nước mắt khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, chị đã khóc khi được chứng kiến bữa cơm của người lính chỉ có mấy cọng rau, chị đã nghẹn ngào khi sau mỗi bài hát của văn công, người chiến sĩ không có hoa để tặng mà thay vào đó là một nhành phong ba…


 Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời - ảnh 3
Vóc dáng phong ba (ảnh: Lê Bá Dương)


Cảm xúc dâng trào, chị đã viết bài thơ mang tên “Cây phong ba”:

Ở trên đảo không trồng được hoa

Nên chiến sĩ tặng nhành phong ba cho văn công sau câu hát

Nhành phong ba chuyền tay nhau trong nụ cười và ánh mắt

Nhành phong ba tươi tắn giữa biển khơi

 

Ai đặt tên cho cây, cây ơi

Mà sao đẹp giữa cuộc đời đến thế

Như chẳng hề sợ run trước muôn trùng sóng bể

Như người lính canh trời giữa đảo xa

 

Ở trên đảo không trồng được hoa

Nên chiến sĩ tặng nhành phong ba cho văn công sau câu hát

“Lý thương nhau” ngọt ngào giọng hát

Và “Người ơi, người ở đừng về”

Trái tim đa cảm của chị như hòa cùng với cuộc sống nhiều thử thách của những người lính đảo. Để đến khi chia tay về đất liền, chị đã rưng rưng khi nhận được lá thư của Đại tá Nguyễn Thuận gửi tới chị: “Tôi rất buồn vì không được trực tiếp nghe bài phóng sự của chị phát trên Đài phát thanh sáng 15/4/1995. Lúc đó tôi đang bận ở công trường. Sau về, tôi được nghe anh em kể lại.

Ai cũng bảo rằng chị Kim Cúc phải có một trái tim yêu thương lính đảo rất lớn mới có thể viết một bài về lính đảo hay đến như thế, sâu sắc đến như thế và tha thiết đến như thế.

…Xin chị đừng ngạc nhiên, khi biết rằng đã 19 ngày nay, không ngày nào ở nhà P4 lại không có người nhắc đến Kim Cúc. Nghe anh em nói về chị, tôi hiểu họ đều quý mến và kính trọng chị.

Họ bảo: Kim Cúc mảnh mai trên dáng vẻ mà mạnh mẽ trên lời văn, dịu dàng, ý nhị trong giao tiếp mà sâu sắc trong nội tâm”.

Nhà báo Kim Cúc là vậy, luôn sống hết mình, cống hiến hết mình vì công việc. Niềm vui được làm việc, được đem những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, dường như là hạnh phúc đối với chị.

Cũng có lẽ vì thế, dù rằng “một mình, sẽ một mình thôi” nhưng chị luôn luôn nhận được những tình cảm yêu thương, trân trọng và sẻ chia của mọi người dành cho mình.

Đối với chị - đó cũng là hạnh phúc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu