Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội. Nơi đây, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm tháng trôi qua, căn nhà 48 Hàng Ngang nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Căn nhà mãi đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mặt trước ngôi nhà ở số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ảnh XD |
73 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Giới thiệu về ngôi nhà, chị Quách Thị Hương Trà, thuyết minh viên của Di tích 48 Hàng Ngang, cho biết “Tầng 1 ngày xưa là gian hàng bán vải tơ lụa mở ra phố Hàng Ngang, sân, nhà kho, nhà để xe ở phía sau có cổng ra phố Hàng Cân. Tầng 2 là phòng khách, phòng ăn. Tầng 3, tầng 4 dùng để ở. Với một vị trí thuận lợi, lại là cơ sở Cách mạng từ tiền khởi nghĩa, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã được Trung ương Đảng chọn là nơi làm việc cũng là nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945.”
Phòng trưng bày các di ảnh và vật dụng của Bác Hồ |
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất, với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng.
Chị Quách Thị Hương Trà cho biết thêm: “Trên tầng 2 của di tích có hai phòng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo Đảng chuẩn bị cho một Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Tầng 2 của ngôi nhà còn có một phòng họp của Trung ương Đảng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau một ngày về đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng và trong cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới.”
Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương. Gần đây, rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập.
Bạn Rina, người Singapore cho biết: “Khi đến đây, tôi thấy được rất nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong ngôi nhà này nhưng sự kiện lịch sử nổi bật nhất là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang không có diện tích rộng, nó được đặt ngay tại phố cổ, một nơi rất nhỏ và khiêm nhường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm trí cho tờ giấy, cây bút để tạo nên sức mạnh thay đổi dân tộc.”
Sau 73 năm, ngôi nhà và những kỷ vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường dùng trong những ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại nơi đây được gìn giữ, phát huy. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng, một địa chỉ đỏ để các thế hệ sau tìm đến và biết thêm về nơi ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chia sẻ cảm nhận khi đến tham quan di tích 48 Hàng Ngang, bạn Phan Thanh Tùng, sinh viên Đại học Mở Hà Nội, cho biết: “Khi bước vào ngôi nhà, tôi cảm giác như mình được trở về quá khứ. Ngôi nhà vẫn mang đậm dấu ấn Hà Nội ngày xưa với bề dày lịch sử chứa đựng bên trong. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống trong một căn phòng ở đây và viết nên bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt, sâu sắc.”
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, những nét xưa cũ của ngôi nhà vẫn còn đó. Tất cả đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về. Ngôi nhà đã gắn liền với những ngày cách mạng tháng Tám vẻ vang của dân tộc, đồng thời gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.