Lê Minh Sang - Người truyền lửa làm giàu cho nhà nông

Nguyễn Quang
Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác xã đã giải quyết nhu cầu vốn, chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các nông hộ nhỏ lẻ, đây chính là mấu chốt đem lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.

Những năm gần đây, những trái bưởi từ Làng Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Mỹ, tỉnh Bình Dương, ngày càng được nhiều người đến. Có được điều này là công sức của anh Lê Minh Sang, 43 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ. Không chỉ giúp thương hiệu bưởi Tân Mỹ vang xa, anh Lê Minh Sang còn giúp người dân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm giàu nhờ cây táo trên vùng đất khô cằn, nắng gió. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách đây 18 năm, năm 2006, anh Lê Minh Sang khởi nghiệp với 10 ha bưởi da xanh, bưởi đường lá cam. 7 năm sau, anh đã đưa bưởi đến tay người tiêu dùng qua các hệ thống siêu thị tại khu vực Đông Nam bộ. Khát vọng cống hiến cho quê hương cũng bắt đầu từ đó, khi địa phương có chủ trương mỗi xã phải có một đơn vị kinh tế hợp tác. Năm 2015 anh Sang cùng các nông dân trong xã thành lập tổ hợp tác đầu tiên ở địa phương với 7 thành viên. Từ đó đến nay, Hợp tác xã Tân Mỹ đã có 22 thành viên với tổng diện tích canh tác trên 62 ha, gồm bưởi, cam, ổi, táo, quýt, sapo… Tổng sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn, lợi nhuận bình quân 20 tỷ đồng (800.000 USD)/năm. Không chỉ mang sứ mệnh kết nối các thành viên, tạo chuỗi liên kết về giá trị mà hợp tác xã đã giải quyết nhu cầu vốn, chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các nông hộ nhỏ lẻ, đây chính là mấu chốt đem lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.
Lê Minh Sang - Người truyền lửa làm giàu cho nhà nông - ảnh 1Anh Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ - Ảnh: Nguyễn Quang/VOV

Bên cạnh tạo việc làm cho các thành viên thì hợp tác xã cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với thu nhập bình quân 8 đến 10 triệu đồng (350-400 USD)/tháng/người. Chị Trương Thị Bông, quê tỉnh Hậu Giang, đến đây làm việc, chia sẻ: Gia đình chị đã gắn bó với hợp tác xã từ những ngày đầu, được sự quan tâm chăm lo nơi ăn ở và thu nhập ổn định nên rất yên tâm: "Làm việc cho anh Sang, anh em công nhân luôn cảm nhận được sự vui vẻ, thoải mái. Anh am hiểu việc, có chuyên môn nên làm việc cũng dễ dàng. Gia đình tôi làm từ Bình Dương ra tới Bình Thuận. Làm cho anh, thấy anh quan tâm anh em dữ lắm, luôn lo lắng từng chút cho anh em công nhân".

Anh Lê Minh Sang mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ đến nay đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử (QR code) để truy xuất nguồn gốc và đưa các sản phẩm đến nhiều siêu thị trên cả nước. Riêng trái bưởi của hợp tác xã đã đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Singapore, Châu Âu…

Cùng với sự phát triển của Hợp tác xã, anh Lê Minh Sang đã mạnh dạn đầu tư 20ha nông trại mới tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, canh tác theo chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) ứng dụng công nghệ từ việc dùng năng lượng mặt trời tưới tiêu tập trung, đến sử dụng máy móc phương tiện vận chuyển sau thu hoạch… Đặc biệt, anh đã ứng dụng công nghệ giải được bài toán khó để dẫn nước hơn 3 km từ hệ thống kênh mương thủy lợi về nông trại trên vùng đất khô cằn, nắng gió của Bình Thuận, phủ xanh trang trại bằng vườn táo bạt ngàn.

Ông Bùi Văn Khanh, nông dân sản xuất giỏi địa phương, chia sẻ: "Anh Sang từ Bình Dương ra đây trồng táo tôi và anh cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm… Anh ấy cũng khẳng định việc sản xuất quy mô, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. Ở vùng Tuy Phong có mô hình như vầy bà con cũng rất phấn khởi".

Lê Minh Sang - Người truyền lửa làm giàu cho nhà nông - ảnh 2Anh Sang hướng dẫn quy trình canh tác táo tại Nông trại Tuy Phong, Bình Thuận - Ảnh: Nguyễn Quang/VOV

Anh Lê Minh Sang đã xem Tuy Phong, Bình Thuận là quê hương thứ 2 của mình và khao khát được đóng góp cho tỉnh Bình Thuận. Khát vọng này lại tiếp tục được thắp lên lần nữa khi anh có kế hoạch hình thành một hợp tác xã gắn với thương hiệu nông sản địa phương. Anh Lê Minh Sang cho biết táo và một số loại cây ăn trái tại đây sẽ sớm có mặt tại những hệ thống bán lẻ hiện đại nội địa và sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Năng suất dự kiến theo quy trình mới khoảng 60 tấn/ha nên sản lượng của nông trại có thể đến 1.200 tấn táo sạch cùng lượng lớn trái cây khác mỗi năm.

Anh Lê Minh Sang chia sẻ: "Trong thời gian tới, nếu có đơn hàng thì trang trại luôn đủ năng lực để sản xuất cho đơn xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang châu Âu. Mục tiêu của mình khi đầu tư đã chọn phân khúc cao hơn bà con địa phương. Để tạo ra sự khác biệt trang trại đang xây dựng theo quy trình GlobalGAP để chuẩn bị tâm thế đưa trái táo Tuy Phong ra thị trường nước ngoài".

Từng nông dân Việt Nam như anh Lê Minh Sang, từng hợp tác xã nông nghiệp như Tân Mỹ đang chuyển mình theo hướng tích cực, phát huy hết khả năng và lợi thế của mình để vươn xa. Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ dưới sự lãnh đạo của anh Lê Minh Sang đã trở thành 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu vừa được vinh danh tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tháng 10 vừa qua. Còn với bản thân, anh Lê Minh Sang đã được nhận danh hiệu Nông dân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu