Huy động sức mạnh cộng đồng bảo tồn di sản Hội An

Quốc Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Di sản văn hoá thế giới khu đô thị cổ Hội An không chỉ  mang vẻ đẹp bởi những công trình kiến trúc cổ, mà còn gắn với từng “nếp nhà” với những phong tục tập quán của người dân.

(VOV5) - Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, đang đứng trước những nguy cơ bị nguy hại do tác động của bão lụt, sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết và  tác động của con người. Để bảo tồn di sản thế giới nổi tiếng này, chính quyền thành phố đã huy động sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. 

Huy động sức mạnh cộng đồng bảo tồn di sản Hội An - ảnh 1
Đô thị cổ Hội An


Nghe nội dung bài viết tại đây:


Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở khu đô thị cổ Hội An với hơn 2.000 di tích. Riêng ở khu vực I của Khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ rộng 4 km2 nhưng có đến 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), những công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng- miếu, hội quán, nhà thờ tộc...). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt– Hoa– Nhật– Phương Tây. Trải qua bao thế kỷ, những ngôi nhà cổ, đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc, cầu, giếng… vẫn tồn tại nhờ sự chăm chút và trái tim yêu thương của những chủ nhân của nó. 


Từ bao đời nay người dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”, người dân ở đây có ý thức trân trọng gìn giữ, nâng niu từng chi tiết kiến trúc nhỏ nhất đến những di sản to lớn cả vật thể và phi vật thể do các thế hệ trước để lại. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng bất thường của tính trạng biến đổi khí hậu, ở tỉnh Quảng Nam thường có mưa to gây ngập úng trên diện rộng, trong đó có khu đô thị cổ Hội An. Để tránh tác động ảnh hưởng tiêu cực của thiên nhiên, cộng đồng cư dân sinh sống trong khu phố cổ Hội An lại chuẩn bị mọi phương tiện để ứng phó với mưa lũ. Cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, nhiều hộ gia đình tự chèn chống nhà cửa, gia cố những chi tiết kiến trúc xuống cấp... Ông Hồ Phúc, chủ một ngôi nhà cổ trên đường Trần Phú, đã hoàn tất công việc chèn chống  nhà cửa từ hơn nửa tháng qua, cho biết: "Mùa mưa tới thì tất nhiên ai cũng có nỗi lo. Được cái là thành phố, có gì là họ thông báo liền, họ giúp đỡ cho nhân dân. Bây giờ thì có di tích họ giúp để bảo tồn di  sản văn hoá thế giới phố cổ Hội An".


Từ năm 1999 trở về trước, cả Hội An chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ. Thế nhưng, đến nay, đã có 170 di tích được tu bổ, tôn tạo, trùng tu với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hơn 150 di tích được chính quyền hỗ trợ trùng tu và gần 2.000 chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ. Điều đó cho thấy nhận thức của cộng đồng, ý thức bảo tồn di sản trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Từ xưa đến nay đối với Hội An, chúng ta bảo tồn và phát triển bền vững và đi đúng hướng thì không thể không nói đến vai trò của người dân. Người dân đã nhận thức được việc bảo tồn chính là đem lại nguồn lợi cho người dân. Phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân càng ngày càng nhận thức hơn, nhất là thế hệ trẻ. Đối với Hội An, trên 90% quần thể di tích nằm trong sự sở hữu, quản lý của người dân. Cho nên hơn ai hết, việc quản lý tốt hay không tốt, lâu dài và bền vững hay không là chính công của người dân trong phố cổ".


Di sản văn hoá thế giới khu đô thị cổ Hội An không chỉ  mang vẻ đẹp bởi những công trình kiến trúc cổ, mà còn gắn với từng “nếp nhà” với những phong tục tập quán của người dân về lối sống, nếp sinh hoạt, việc làm ăn, cách ứng xử của người Hội An. Ở Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, những hoạt động của những làng nghề nổi tiếng cùng với nguồn văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú.  Bởi vậy Hội An là cả kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ. Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị. Di sản văn hóa Hội An do tiền nhân sáng tạo trong lịch sử đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, xã hội, sự tàn phá của chiến tranh, thời gian và cho đến nay bao thế hệ con người Hội An vẫn trân trọng, nâng niu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Việc huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, hiện nay vẫn được chính quyền và người dân ở đây chăm lo giữ gìn. Nỗ lực của cộng đồng dân cư chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu