Giếng cổ và văn hóa Hội An

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện ở Hội An có khoảng hơn 80 chiếc giếng cổ. Nước ở những chiếc giếng này ngọt tự nhiên, mực nước luôn cao kể cả những ngày nắng hạn.
(VOV5) - Giữa đời sống hiện đại, đa phần người dân dùng nước máy phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì hình ảnh người dân phố Hội vẫn dùng gàu để múc từng thùng nước giếng trở nên hiếm hoi. Những chiếc giếng góp phần tạo nên giá trị riêng trong đời sống của người dân và văn hóa phố Hội. Dòng nước mát ngọt từ những chiếc giếng vẫn ngày ngày được người dân chắt chiu dùng chế biến các món ăn đặc sản như cao lầu, mì quảng hay pha trà, cà phê. 

Giếng cổ và văn hóa Hội An  - ảnh 1
Giếng cổ Bá Lễ ở Hội An


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Người Hội An phần lớn vẫn giữ thói quen nấu ăn, pha trà bằng nước giếng. Vì thế cùng với giếng cổ Bá Lễ, những chiếc giếng của các dòng họ như: họ Trần, họ Lưu vẫn đang tồn tại như một mạch nguồn nhắc nhở người dân Hội An về tập quán, truyền thống lịch sử của mảnh đất này. Anh Võ Hồng Việt, cán bộ trung tâm bảo tồn văn hóa Hội An, cho biết: "
Hiện tại ở Hội An thống kê còn rất nhiều giếng cổ, đặc biệt là trong khu phố cổ này. Mật độ của các giếng cổ rất lớn, xung quanh đây ngoài giếng Bá Lễ, cách bán kính khoảng 100 đến 200m có nhiều giếng ở xung quanh. Giờ đã có hệ thống cung cấp nước để giặt giũ nhưng giếng Bá Lễ vẫn được dùng để chế biến ẩm thực. Giếng nước Bá Lễ trong, ngọt, dùng chế biến món ăn chất lượng cao hơn".

Theo nhiều người già ở Hội An thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Người Hội An bao đời này vẫn quen dùng nước giếng cổ Bá Lễ vào những dịp như làm cỗ cúng rằm, mùng một, tắm cho trẻ mới chào đời. Đến Hội An thưởng thức món Cao Lầu, chè mè đen mà không ghé giếng cổ Bá Lễ thì coi như thiếu sót trong hành trình khám phá, bởi đây là nguồn nước làm nên hai món ăn danh tiếng này. Giếng cổ Bá Lễ đã nghìn năm tuổi nhưng nước không bao giờ cạn. Anh Việt cho biết:
 "Hiện tại giếng Bá Lễ cung cấp nguồn nước ngọt cho nhiều người dân sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là dùng chế biến ẩm thực và uống. Tương truyền những người chế biến các món ẩm thực, nguồn nước từ giếng Bá Lễ chế biến món ăn ngon hơn, đậm đà hương vị hơn. Hiện tại ngoài bác Đường thì còn có 8 người chuyên chở nước cho các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn để làm cao lầu, phở hoặc quán cà phê".

Giếng cổ và văn hóa Hội An  - ảnh 2
Giếng hình vuông ở Hội An. Nước giếng vẫn trong vắt dù đã tồn tại gần 100 năm.

Hiện ở Hội An có khoảng hơn 80 chiếc giếng cổ. Tuy nằm gần sông nước mặn, có giếng cách 50 đến 150 mét, có giếng chỉ cách từ 6 đến 10 mét nhưng nước ở những chiếc giếng này ngọt tự nhiên, mực nước luôn cao kể cả những ngày nắng hạn.

Theo anh Việt, giếng cổ Hội An là điểm thể hiện sự nối kết đặc biệt giữa cư dân Chăm và cư dân Việt ở Hội An. Những chiếc giếng cổ ở Hội An thường có 3 kiểu dáng tròn, vuông, trên tròn, dưới vuông. Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Tuy mỗi chiếc có kiểu dáng khác nhau, nhưng có điểm chung là có khung gỗ lim ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định không bị sụt lún.Trước cửa nhà ông Lưu Hùng còn giữ nguyên vẹn chiếc giếng của dòng họ Lưu. Ông Lưu Hùng cho biết:
 "Hồi xưa khi xây dựng nhà thờ họ thì làm luôn cái giếng này. Bảo tồn lại cái giếng của ông bà để lại coi như đó là di tích của ông bà. Khi xây giếng, người ta trộn vôi với gai xương rồng đánh tan với nhau để xây giếng. Giếng có 4 miếng gỗ lim khoảng 25cm bao quanh 4 góc, vẫn cứng, vẫn còn nguyên vẹn".

Giếng cổ và văn hóa Hội An  - ảnh 3
Giếng cổ hình tròn của dòng họ Lưu ở Hội An

Điều đặc biệt, trên các giếng này đều có bàn thờ để thờ thần giếng. Người dân Hội An xưa quan niệm rằng mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ, đây là yếu tố tâm linh được người dân Hội An gìn giữ cho đến ngày nay. Ông Lưu Hùng cho biết:
 "Có nhiều khi lấp giếng thì trong gia đình bị xáo trộn, gặp điều không may. Ngày rằm mùng 1 mình thắp nhang thần giếng. Ở Hội An người ta thờ 5 thần: thần tài, thần táo quân, thần giếng, thần thổ công, thần ngõ nên người ta thắp nhang. Hồi xưa người ta thờ thần giếng là thờ long mạch để cho nước trong để gia đình sử dụng. Cúng thần giếng cũng như mình cúng trong nhà thôi, thắp nhang, đèn, có trái cây, cúng tối 14 và tối 30 hàng tháng.".

Cùng với chùa Cầu, dòng sông Hoài, nhà cổ, di tích đền chùa, miếu thì những chiếc giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu