Tỉnh Quảng Bình nói riêng, khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung nói chung có nhiều lợi thế về phát triển du lịch xanh. Phát triển du lịch xanh trên dãy Trường Sơn mở ra cơ hội hưởng lợi từ du lịch của người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa bản địa được tôn trọng. Đó vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đêm 16 Tháng Giêng, khi con trăng lên đến ngọn sào, Lễ hội Đập trống của người Ma Coong bắt đầu. Sau phần lễ là tiếng trống hội vang lên, mọi người xúm lại bên ché rượu cần. Những thanh niên khỏe mạnh tranh nhau chiếc dùi, đánh trống thật mạnh, nhanh, đánh cho đến khi trống vỡ. Người không đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa. Dưới ánh lửa bập bùng, họ hô vang câu nói "Roa lữ Giàng ơi" (nghĩa là “sung sướng quá, trời ơi!”).
Lễ hội đập trống độc đáo của người Ma Coong sống giữa lòng di sản Phong Nha- Kẻ Bàng |
Đêm hội Đập trống cũng là dịp trai gái gặp nhau làm quen, cùng hẹn ước trao duyên. Những đôi trai gái thầm yêu nhau, được phép dắt nhau ra suối, vào rừng… cùng tâm sự, chuyện trò thâu đêm.
Lần đầu tiên, Peter hòa mình vào Lễ hội Đập trống của người Ma Coong. Peter là người Đan Mạch, chuyên nghiên cứu về di sản văn hóa và phát triển bền vững. Ông Peter cho rằng, Lễ hội này như mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên, tạo ra nét độc đáo trong đời sống đồng bào dân tộc Ma Coong ở phía tây tỉnh Quảng Bình: “Lần này đi du lịch, được tham dự lễ Đập trống ở đây, quá tuyệt vời. Đây là lúc để giao lưu với nhau và là một phần của phong tục tập quán, mối quan hệ giữa thiên nhiên và văn hóa của người dân ở đây. Làm thế nào để giữ lại bản sắc văn hóa này vì việc đa dạng bản sắc văn hóa rất quan trọng, trong đó có bản sắc của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Bình”.
Theo người Ma Coong, khi chiếc trống được đập vỡ thì đêm hội Đập trống sẽ càng trọn vẹn |
Đinh Dự, một người dân ở bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nói rằng, khi gà gáy, lúc mặt trời lên là lễ hội kết thúc. Bà con trở lại với cuộc sống thường ngày và hẹn gặp lại dịp lễ hội năm sau. Đã có nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ sau những lễ hội này, trong đó có nhiều mối tình xuyên biên giới Việt - Lào. Theo ông Đinh Dự, lễ hội Đập trống không chỉ có người Ma Coong tham dự mà người dân từ nhiều nơi khác lẫn du khách cũng đến đây chung vui: “Theo phong tục, đập trống đến khi nào trống vỡ thì phần lễ hội được trọn vẹn. Lễ hội này cũng là lúc trai chưa vợ, gái chưa chồng gặp gỡ, hò hẹn. Bắt đầu từ đây khi họ đã yêu nhau thì sẽ tìm hiểu nhau để rồi thành vợ thành chồng”.
Lâu nay, Lễ hội Đập trống là một phong tục tập quán, nghi lễ của người Ma Coong. Trải qua thời gian với nhiều biến đổi nhưng lễ hội Đập trống vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa, giàu tính bản địa, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lễ hội này, nhiều người bày bán các sản vật của địa phương phục vụ du khách như măng rừng, rượu cần, gạo nếp, rau rừng, các món ăn đậm hương vị núi rừng.
Uống rượu cần trong lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số |
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch. Cục Di sản Văn hóa phối hợp với địa phương tập huấn cho cộng đồng kỹ năng trao truyền di sản phù hợp với điều kiện hiện nay. Chúng tôi rất quan tâm, phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong. Năm nay huyện sớm có kế hoạch để triển khai lễ hội Đập trống này, phục hồi, gây dựng lễ hội Đập trống đúng với bản sắc của đồng bào Ma Coong.
Trên dãy Trường Sơn chạy qua tỉnh Quảng Bình có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch xanh. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất cho biết, quá trình khai thác tiềm năng du lịch tại các hang động trong Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, đơn vị đã chú trọng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều người dân miền núi từng là “lâm tặc”, phá rừng lấy gỗ để mưu sinh. Nhưng giờ đây, họ là những nhân viên làm du lịch có thu nhập ổn định và cũng là những người tiên phong bảo vệ những cánh rừng lim giữa Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Bảo vệ rừng lim và thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm chính là giúp họ có nguồn thu ổn định từ làm du lịch và gìn giữ di sản cho mai sau.
Khu du lịch tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình |
Theo ông Nguyễn Châu Á, đơn vị triển khai các hoạt động du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững, bảo vệ di sản và tạo sinh kế cho người dân bản địa: “Chúng tôi cũng mở ra mô hình cùng với người dân, hướng dẫn người dân mở các homestay phục vụ du lịch. Để sản phẩm du lịch mang tính đặc biệt cần nhiều thời gian cũng như trong các công tác tập huấn, đào tạo, thuê các chuyên gia, giáo viên đào tạo cho người dân trong lĩnh vực phục vụ khách du lịch”.
Hiện nay, việc phát triển du lịch tại Quảng Bình mới tập trung tại Phong Nha – Kẻ Bàng, chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm trong tỉnh để mở rộng, kéo dài thời gian lưu trú. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, tỉnh này có 25 điểm tham quan trên dãy Trường Sơn được đánh giá rất hấp dẫn, có sức thu hút du khách và có thể gọi đây là “thiên đường khám phá và trải nghiệm”.
Khách du lịch có thể khám phá, trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương |
Theo ông Hồ An Phong: “Việc xây dựng sản phẩm du lịch hiện nay chúng ta đang còn thiếu trầm trọng về ý tưởng. Tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Quảng Bình rất lớn nhưng nếu như chúng ta đầu tư không khéo thì không những không trở thành điểm đến du lịch mà còn có tính chất làm hỏng tự nhiên. Bất kỳ ở đâu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này, ở những nơi có bà con đồng bào dân tộc sinh sống thì đều có thể làm du lịch, để khai thác có tiềm năng hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội xứng tầm nhưng vừa bảo tồn giá trị đó lâu dài”.
Các tour tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn cùng một số lễ hội văn hóa độc đáo như: Lễ hội đập trống của người Macoong, Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa đã trở thành các điểm nhấn du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách.
Du lịch khám phá rừng lim trên dãy Trường Sơn |
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, các địa phương cần liên kết, hỗ trợ nhau hoàn thiện các chuỗi sản phẩm mang tính liên vùng, nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch bền vững tại khu vực các dân tộc thiểu số và miền núi. Vùng dân tộc thiểu số của chúng ta có sẵn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Chúng ta cần xây dựng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên ở đó, đảm bảo bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nhưng phải thanh lọc, sàng lọc, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cần xác định con người ở đó là đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các cảnh quan thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho bà con. Hội đồng Nhân dân tỉnh cần ban hành các chính sách đặc thù để phát triển văn hóa của vùng dân tộc thiểu số và xây dựng sản phẩm từ nền văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đó nhằm phát triển du lịch. Xây dựng sản phẩm phải có tính liên kết, liên vùng, kết nối các di sản và các di tích văn hóa của chúng ta.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú. Miền núi tỉnh Quảng Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ phân bố dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh và còn lưu giữ nhiều di sản, giá trị văn hóa độc đáo. Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng các sản phẩm du lịch, vừa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc.