Giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch

Chia sẻ
(VOV5) - Ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/ năm là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2023, chương trình trình tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch tại Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng, được nhiều doanh nghiệp du lịch và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường quan tâm.

Giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch - ảnh 1Quang cảnh tọa đàm. Ảnh Huyền Trang
Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch” nằm trong dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam”, được triển khai thí điểm tại hai khu vực Hội An (Quảng Nam) và Gia Viễn (Ninh Bình). Tại đây, các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành du lịch, du khách quan tâm đến bảo vệ môi trường, cùng nêu ra thực trạng, bàn luận, đóng góp ý kiến, giải pháp để giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa trong hoạt động du lịch.

Ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/ năm là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Do vậy, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước thực trạng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, đề nghị tổ chức UNDP và Quĩ môi trường toàn cầu hỗ trợ chjo Hiệp hội thực hiện Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch - ảnh 2Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Vấn đề làm thế nào có thể triển khai dự án này một cách tốt nhất, Dự án sẽ kéo dài trong 18 tháng. Về phía Hiệp hội chúng tôi đảm bảo sẽ cam kết hoạt động tốt nhất có thể, sẽ vận động các doanh nghiệp tạo ra một phong trào trong cả nước hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa ở mức độ tốt nhất trong lĩnh vực du lịch. Để thực hiện công việc này không dễ dàng nhưng với quyết tâm cao của các doanh nghiệp du lịch, với ý thức về tầm quan trọng của nó, với vấn đề sống còn của hoạt động du lịch khi liên quan đến vấn đề Rác thải nhựa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện công việc này"

Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Để hiện thực hoá mục tiêu này, dự án bao gồm nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó là các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch - ảnh 3Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm. Ảnh Huyền Trang

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện về mặt chính sách, cần loại bỏ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm thay thế, cần phải tăng cường tái chế và thu gom rác thải nhựa. Đây cũng chính là mục tiêu nhóm tư vấn của chúng tôi sẽ thực hiện trong dự án này. Đó là đưa ra các giải pháp để hoàn thiện về mặt chính sách. Chúng ta cũng cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể hơn với từng đối tượng, như khách du lịch, người dân, các doanh nghiệp trong ngành lữ hành hay các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng cần hướng dẫn các giải pháp giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần hay nilon khó phân hủy”.

Tọa đàm đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp của đại diện các homestay, chủ cơ sở kinh doanh du lịch ở địa phương để hoàn thiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu