Dự án bảo tồn di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Người dân làng Đường Lâm rất tự hào về truyền thống văn hóa, ý thức gìn giữ và tô điểm cho nét văn hóa của làng. 

(VOV5) - Với những cống hiến và thành công đáng ghi nhận, Dự án bảo tồn di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm đã chính thức được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, trao giải thưởng danh dự về Bảo tồn Di sản văn hóa năm 2013 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần thứ 5, Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này của UNESCO kể từ khi giải thưởng này tổ chức từ năm 2000.

Dự án bảo tồn di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Nằm ở thị xã Sơn Tây, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2005. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết những nét tiêu biểu của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước…

Hơn 10 năm qua, trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm, Làng cổ Đường Lâm luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ Việt Nam và sự hợp tác, giúp đỡ từ Chính phủ Nhật Bản. Cụ thể, hiện đã có 17 công trình di tích và nhà cổ đã được tu bổ, sửa chữa.

Dự án bảo tồn di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm - ảnh 2

Thành quả nổi bật nhất của dự án là bảo tồn thành công 5 công trình có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa lịch sử ở làng cổ Đường Lâm là: Cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng và ông Hà Văn Vĩnh. Các công trình kiến trúc này trước đây xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí là đối mặt với nguy cơ bị đổ sập. Theo đánh giá của UNESCO và chuyên gia Nhật Bản, Dự án bảo tồn nhà cổ Đường Lâm thực sự trở thành  mô hình mẫu cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa tại các vùng nông thôn khác ở Việt Nam trong tương lai. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách tốt hơn, bài bản hơn, ông Phạm Hùng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết: “Chúng tôi vừa làm quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm trong 8 năm. Ngày 31/10/2013 thành phố Hà Nội phê duyệt. Sắp tới, chúng tôi công bố quy hoạch này. Đây là một dự án tổng thể, quy hoạch tổng thể, đưa ra lộ trình quản lý, tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm từng giai đoạn”.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, sưu tầm một cách hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm trước đây, các cơ quan chức năng đang khẩn trương phục dựng lại đời sống văn hoá tinh thần xuyên suốt các thời kỳ lịch sử ở Đường Lâm, tái hiện phong tục tập quán, tổ chức lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, văn hóa ẩm thực đặc trưng truyền thống của Đường Lâm. Trước mắt là biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu, sưu tầm, làm đĩa VCD thuộc các lĩnh vực, làm tài liệu nghiên cứu để bảo tồn và lưu giữ lâu dài. Cùng với bảo tồn văn hoá vật thể, phi vật thể, Đường Lâm cũng tích cực bảo tồn cảnh quan, môi trường, sinh thái, các loài gien quý như gà Mía, cây duối cổ và các cây cổ thụ ở địa phương, xem đây là việc bảo tồn di sản văn hóa một cách đồng bộ.

Dự án bảo tồn di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm - ảnh 3
Đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng

Trong số 5 di tích của làng cổ Đường Lâm vừa được UNESCO trao giải thưởng danh dự về Bảo tồn Di sản văn hóa năm 2013, đáng chú ý có di tích cá thể 2 ngôi nhà cổ. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của một trong hai ngôi nhà cổ được trao giải thưởng, cho biết: “Ngôi nhà tôi được xây dựng từ năm 1649, là ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở Đường Lâm. Năm 2008 ngôi nhà được tổ chức JICA của Nhật Bản bảo tồn trùng tu lại đầu tiên hoàn thành sau hơn 3 tháng. Vừa qua gia đình vừa đón bằng vinh danh của UNESCO về công tác bảo tồn ngôi nhà. Đó rất là vinh dự, tự hào cho gia đình. Gia đình có tư vấn với người thân, dân làng biết được giá trị đó để bảo tồn làng cổ Đường Lâm càng ngày càng tốt hơn”.

Ông Phạm Hùng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết thành công của dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm sẽ là bước đệm để tiến đến làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Theo ông Sơn: “Di tích làng cổ Đường Lâm có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và về lịch sử văn hóa, có đầy đủ tiêu chuẩn của một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nó nằm trong tiêu chí thứ 4, thứ 5 của Di sản thế giới. Phía chuyên gia Nhật Bản và chuyên gia Pháp đang giúp chúng tôi tiếp cận với UNESCO để công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây không phải là sự lạc quan mà nó đã hiện hữu toàn bộ các giá trị của nó và chúng tôi sẽ từng bước đưa làng cổ Đường Lâm để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”.

Cảnh quan đẹp, dáng vẻ cổ kính được giữ vẹn nguyên, người dân làng Đường Lâm rất tự hào về truyền thống văn hóa, ý thức gìn giữ và tô điểm cho nét văn hóa của làng. Không gian làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được vẻ đẹp thuần phác, hòa quyện trong nhịp sống hiện đại. Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Đường Lâm đã góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu