Độc đáo những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Thanh Hóa

Giàng Seo Pùa
Chia sẻ
(VOV5) - Giống nhiều nhiều dân tộc khác, trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày, người Thái có tính cộng đồng rất cao.

Với cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam, nhà sàn không chỉ là nơi cư trú, mà còn là nơi gắn liền với đời sống tâm linh, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Tiết mục “Khám phá Việt Nam” hôm nay, mời quý vị và các bạn đến thăm và tìm hiểu về ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Từ thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hoá) theo Quốc lộ 15C lên huyện Mường Lát khoảng 7 cây số, rẽ trái là đến bản Bút, xã Nam Xuân. Bản nằm ngay dưới chân núi Pha Đay được bao quanh bởi cánh rừng rộng lớn, với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Trải qua thời gian, bản Bút vẫn còn giữ những nếp nhà sàn truyền thống mang kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của người Thái. 
Độc đáo những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Thanh Hóa - ảnh 1Nếp nhà sàn của người Thái ở bản Bút. Ảnh Hồng Hạnh -Tạp chí văn hóa phát triển

Nhà sàn của người Thái được dựng luôn thích nghi với cuộc sống nơi núi rừng và đồng ruộng, tránh được thú dữ, mưa lũ. Cầu thang giúp tách biệt sàn nhà, nơi sinh sống của cả gia đình với mặt đất. Cho nên mỗi ngôi nhà sàn đều có 2 chiếc cầu thang để lên xuống.

Ông Hà Công Chức, Trưởng ban Bút, cho biết thêm: "Cầu thang cũng làm từ 5 đến 9 bậc, làm lẻ, có lối lên lối xuống. Nhà sàn ngày xưa phân biệt lên đằng trước là cho các ông, còn đằng sau bên hông bên sâu cho các bà lên. Cầu thang không riêng gì người Thái mà các dân tộc khác đều là linh hồn của nhà sàn và là con đường lên xuống của cả một gia đình dòng họ. Ở đây cầu thang được người ta rất chú ý và làm thật chắc chắn phải vững chắc, bậc thang phải là gỗ tốt và người ta chọn gỗ dâu rừng là gỗ phong thuỷ để ngăn cản các tà ma lên trên nhà sàn để quẫy nhiễu nhà mình, như: cầu thang của nhà tôi làm bằng gỗ dâu, nó có tác dụng vừa vững chắc, không mối mọt cong vênh và nó lại trừ ma."

Ngoài cầu thang, khi dựng nhà, lắp sàn xong phải làm bếp. Không chỉ có công dụng nấu nướng, bếp còn là nét đẹp trong tiềm thức của mỗi người con dân tộc Thái, cho nên lễ đắp bếp trong ngôi nhà sàn hết sức quan trọng. Đồng bào Thái sẽ chọn những người có cuộc sống ấm no, đầy đủ, con cháu ngoan, học giỏi, cùng thầy cúng (thầy mo) đến để đặt những loại lá vào bếp.

Ngoài ra, chọn những người bên họ ngoại có uy tín nhất để đặt hòn đá đầu bếp, đặt 3 hòn đá để dựng nấu nướng. Mỗi ngôi nhà sàn người Thái ở bản Bút có hai bếp, một bếp ở trong và một bếp ở ngoài. Trong ngôi nhà sàn, nơi trang trọng nhất sẽ được giành để đặt bàn thờ tổ tiên. Ông Hà Công Chức, Trưởng bản Bút, chia sẻ: "Riêng nhà sàn của người Thái kết cấu nói chung làm mộc ít thôi, cơ bản là những cây gỗ đóng bằng rìu, có đặc trưng riêng. Còn nhà sàn bây giờ kiểu mới làm bằng máy móc sẽ đẹp hơn và nó cũng khác hơn. Nhà sàn chúng tôi đang giữ lại nếp nhà sàn cũ ngày xưa, thứ nhất là từ 3 gian trở lên, đến 4,5 gian, ngày xưa có đến 7 gian."

Bà Lương Thị Nhã, 72 tuổi, cho biết ngôi nhà sàn của gia đình làm từ hơn 30 năm trước: "Đi lấy lá cọ đa số chỉ có con gái thôi mà, họ lại còn gùi nữa chứ. Ngày xưa là phải gùi đó, gùi từng bế một, họ bó to, mình gùi về…Mỗi ngôi nhà cần hàng nghìn lá cọ. Sau khi làm xong ngôi nhà như thế này thì phải làm thịt lợn, rồi nấu cơm, nấu canh về cho bà con ăn mừng một bữa."

Giống nhiều nhiều dân tộc khác, trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày, người Thái có tính cộng đồng rất cao. Đặc biệt, mỗi khi gia đình nào làm nhà thì cả bản đều cùng chung sức lại để giúp đỡ. Ông Hà Văn Xuân, người dân bản Bút, cho biết:      "Đồng bào người Thái rất đoàn kết. Thấy nhà nào bị xộc xệch, dột nát, thì họ cùng nhau lên núi chọn gỗ để khai thác nhưng khai thác vừa đủ dùng cho quy mô nhà. Họ chặt gỗ thì nhờ bà con trong làng đi. Bà con cứ đùm cơm nắm đi và vác rìu lên trên, rồi chọn gỗ, cùng nhau làm, thi nhau kéo, khiêng về. Đến ngày dựng nhà, nhà nào có đục mang đục, nhà nào có rìu mang rìu, nhà nào không thì để đỡ, để đẩy để kéo giúp. Dựng nhà thì cộng đồng cùng có mặt để dựng lên ngôi nhà đó. Không chỉ là nhà tôi mà tất cả các ngôi nhà trong làng đều được bà con dân bản cùng chung tay dựng."

Bản Bút có hơn 100 hộ dân hầu như vẫn sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống mà ông cha để lại. Những nếp nhà sàn tồn tại hàng chục năm với kiến trúc đặc trưng hiếm nơi nào có được sẽ là điểm nhấn cho du khách muốn khám phá, tìm hiểu văn hoá truyền thống của người Thái ở miền sơn cước này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu