(VOV5) - Làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, là cái nôi của nghệ thuật hát chèo đất Thái Bình. Nói đến chèo Thái Bình, người yêu chèo nhắc ngay đến chèo làng Khuốc.
Múa hát và diễn chèo đã trở thành nếp sống của mỗi người dân Làng Khuốc. Nhiều người ở làng Khuốc là nghệ sĩ trong các đoàn chèo chuyên nghiệp ở Việt Nam. Những nghệ sĩ làng Khuốc đã mang nghệ thuật chèo tới nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản...phục vụ công chúng.
|
Ươm mầm cho Chèo làng Khuốc. Ảnh: vtv.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đây là một buổi tập luyện cho buổi biểu diễn sắp tới của Câu lạc bộ Chiếng chèo làng Khuốc do nghệ nhân Cao Thị Bấc phụ trách. 16 thành viên của Câu lạc bộ đều là người làng Khuốc, sống trong những giai điệu chèo từ bé, rồi lớn lên lại được các nghệ nhân nổi tiếng trong làng trực tiếp truyền dạy. Nghệ nhân Cao Thị Bấc, 67 tuổi, chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho hay: “Chúng tôi chỉ mong tụ tập con em của các nghệ nhân, tập luyện với nhau để vui trong làng, trong thôn. Để trong làng có việc, có lễ hội thì mình tự biểu diễn. Lúc đâù chỉ mơ ước thế thôi nhưng không ngờ phát triển. Tiếng tăm của câu lạc bộ vang xa, các tỉnh có lễ hội là họ lại mời. Lâu nay chúng tôi đều phấn khởi, tuy rằng mình lớn tuổi nhưng mọi người đều yêu thích. Cái chất chèo của làng Khuốc khi chúng tôi mang đi diễn được mọi người rất thích. Mình muốn đưa chèo Khuốc vang xa, được nhiều nơi biết đến và quan trọng là mình được đi diễn nhiều nơi, được giao lưu với mọi người”.
|
Chiếng Chèo làng Khuốc xưa. Ảnh: nguồn tapchisonghuong.com.vn |
Để quảng bá chèo làng Khuốc trên fanpage facebook và Youtube, câu lạc bộ đã thu thanh, ghi hình để tải lên các phương tiện đó và kèm theo những lời giới thiệu mộc mạc về chèo làng Khuốc. Theo nghệ nhân Cao Thị Bấc, đó là cách để người yêu chèo biết thêm một địa chỉ biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống, để chèo được biết nhiều hơn. Theo đó, số lần đi diễn của câu lạc bộ tăng nhiều lên. Bà Bấc cho biết: “Các địa phương cứ đến lễ hội năm trước mời rồi, thì những lễ hội sau lại mời tiếp, cứ đến hẹn lại lên. Khách nước ngoài cũng tìm về câu lạc bộ giao lưu. Người nước ngoài cũng học chèo. Các công ty du lịch có khách thì lại điện về dặn chúng tôi chuẩn bị vài tiết mục để biểu diễn và lại hướng dẫn dạy cho khách nước ngoài nữa. Người nước ngoài có biết hát chèo đâu, chúng tôi cũng không biết tiếng của nhau nhưng vẫn cầm nón chèo ra dạy họ. Ai nhìn vào cảnh tượng đó cũng thấy vui”.
Cùng say mê chèo như bà Cao Thị Bấc, ông Vũ Lê Nhâm, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Chiếng chèo làng Khuốc cũng như các thành viên khác của đội chèo, đều nắm được hết các kĩ thuật, bảo bối gia truyền của chèo Khuốc, nên luôn sẵn sàng đi biểu diễn: “Anh chị em trong câu lạc bộ đều làm nông nghiệp, cũng có người đi buôn bán, nhưng có chương trình gì chỉ cần báo điện là mọi người lên thống nhất chương trình hoặc tập lại chương trình diễn. Mọi người trong câu lạc bộ luôn sẵn sàng, mời là đi, là lên đường. Chúng tôi vẫn cứ phát huy nghệ thuật cổ truyền của làng Khuốc. Các làn điệu mình đã thể hiện trên sân khấu và ngày càng sáng tạo thêm, diễn chín và hay hơn”.
Bà Quách Thị Thu, một thành viên của câu lạc bộ, yêu và say chèo từ nhỏ nhưng mới có cơ hội tham gia câu lạc bộ khi con cái đã yên bề gia thất. Bà Thu cho biết: “Từ ham muốn đó nên tôi theo chèo cho đến giờ, khi tuổi đã cao rồi. Để duy trì tiếng hát chèo, thì dạy con cháu học hát, duy trì chèo làng Khuốc. Muốn hay không muốn tiếng hát chèo không bao giờ mai một vì đây là bản sắc của dân tộc”.
Trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống hằng ngày, những nghệ sĩ dân gian làng Khuốc đã cân bằng được quỹ thời gian vừa để làm nông nghiệp nhưng cũng vừa để giữ tiếng hát chèo của cha ông. Trong không gian êm đềm của làng Khuốc, Thái Bình, tiếng chèo, tiếng phách vang lên rộn rã.