Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở

Lê Thị Hải Yến
Chia sẻ
(VOV5)- Lần đầu tiên, có một bảo tàng đồng quê do tư nhân làm ở Nam Định, lưu giữ lại những hình ảnh thân thương lạ của làng quê Bắc Bộ suốt một thời kỷ lịch sử dài. Trong hơn 20 năm, cô giáo Ngô Thị Khiếu lặng lẽ đi khắp miền Bắc để sưu tầm những hiện vật của văn hóa đồng quê. Sau khi về hưu, cô đã trở về, xây dựng bảo tàng Đồng quê trên chính quê cha đất mẹ.
(VOV5) - Lần đầu tiên, có một bảo tàng đồng quê do tư nhân làm ở Nam Định, lưu giữ lại những hình ảnh thân thương lạ của làng quê Bắc Bộ suốt một thời kỷ lịch sử dài. Trong hơn 20 năm, cô giáo Ngô Thị Khiếu lặng lẽ đi khắp miền Bắc để sưu tầm những hiện vật của văn hóa đồng quê. Sau khi về hưu, cô đã trở về, xây dựng bảo tàng Đồng quê trên chính quê cha đất mẹ.

Bấm để nghe âm thanh:




Bảo tàng Đồng quê được xây trên diện tích hơn 6000m2, tái hiện 5 mô hình nhà gắn với quá trình phát triển nông thôn Bắc Bộ. Đó là: khu nhà tranh vách đất của bần cố nông, khu nhà trung nông, khu nhà ngói cây mít của địa chủ, nhà gác tường - đặc trưng của vùng Giao Thủy những năm 60 của thế kỷ trước và khu nhà hiện đại 4 tầng ở trung tâm bảo tàng, nơi trưng bày các hiện vật... Phía sau tòa nhà là hầm chữ A, mô phỏng hầm tránh bom trong chiến tranh và "bảo tàng cây cối đồng quê" với hàng trăm loại cây, loại rau; nhiều loại có nguy cơ biến mất như: cây cậy, cây chay, cây vối,... Ngoài ra, còn có thư viện với hơn 2000 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn sách cổ có giá trị văn hóa lịch sử.

Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở - ảnh 1
Khu nhà trung nông

Bảo tàng hoàn thành giai đoạn 1 và mở cửa ngày 12/12/2012, bắt đầu thu hút du khách, đặc biệt là thanh thiếu niên và những người con xa xứ. Em Bùi Văn Thắng học sinh trường tiểu học Giao Thịnh nói: "Cháu rất thích đến đây vì ở đây có rất nhiều sách hay mà cháu vẫn chưa biết và nhiều đồ dùng rất lạ. Cháu rất thích nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về những đồ vật này."

Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở - ảnh 2
Sơ đồ bảo tàng

Giám đốc bảo tàng Đồng quê là cô giáo về hưu Ngô Thị Khiếu. Cô Khiếu sinh ra tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy. Những năm chiến tranh, cô rời xa quê, theo chồng trên những chặng đường chiến đấu. Khi đất nước hòa bình, vợ chồng cô lập nghiệp và sinh sống tại Hà Nội. Từ hơn 20 năm trước, cô đã sưu tầm các vật dụng sinh hoạt cũ của gia đình, người quen và từ những xe đồng nát. Được gia đình ủng hộ, cô dành riêng một phòng trưng bày hiện vật, để con cháu biết về cuộc sống vất vả ngày xưa.

Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở - ảnh 3
Cô Ngô Thị Khiếu bên khu nhà trung nông

Trong dịp về quê dự lễ khánh thành trường mầm non xã Giao Thịnh, trước những khó khăn của địa phương, cô có ý định mở một thư viện nhỏ cho người dân được đọc sách và tham quan các hiện vật đã sưu tầm. Cô Ngô Thị Khiếu nhớ lại:"Lúc đầu chỉ nghĩ là giữ lại làm kỷ niệm thôi nhưng càng thu gom càng thấy say. Trong quá trình sưu tầm mới nhận thấy rằng những hiện vật đó ngày càng hiếm dần, nếu không thu gom lại thì sẽ không còn nữa. Sau khi thu gom được nhiều thì thấy cơ sở vật chất của địa phương còn khó khăn, trong khi đó rất nhiều sách báo, hiện vật của mình lại cất trong tủ; mới đặt vấn đề với địa phương, xin mua một sào đất để làm thư viện, trưng bày những đồ mình đã sưu tầm được cho dân làng đọc sách và tham quan. Huyện đã cho mượn khu đất rộng này làm khu văn hóa. Trong quá trình xây dựng được rất nhiều nhà hảo tâm tặng tiền, hiện vật, tặng công sức mới xây dựng được như thế này."

Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở - ảnh 4
Phòng trưng bày những vật dụng của đồng quê Bắc Bộ một thuở

Được sự giúp đỡ của địa phương, gia đình cô Khiếu đã bán đất của nhà và vay mượn để xây dựng bảo tàng. Từ ý tưởng kiến trúc đến việc xây dựng bảo tàng đều được những người dân làng bỏ công, bỏ sức không quản nắng mưa trợ giúp. Dẫu thế, việc giữ gìn hiện vật và duy trì bảo tàng luôn khiến cô Khiếu trăn trở. Cô quyết định làm dịch vụ từ những đặc sản quê nhà như: nước mắm, rượu, gạo...để lấy kinh phí. Nhưng chính điều này lại đem đến sự sống động, gần gũi; giúp du khách hòa mình vào cuộc sống quê thanh bình, dân dã.

Bảo tàng Đồng quê - giữ lại hồn quê một thuở - ảnh 5
Khu nhà trung tâm của bảo tàng

Tiếng là “giám đốc bảo tàng”, nhưng cô Khiếu cũng kiêm luôn công việc hướng dẫn viên cho khách phương xa. Cả gia đình vẫn ở Hà Nội, cô giáo không quản ngại xa gia đình, ở lại quê cùng anh em họ hàng chăm sóc giữ gìn "hồn quê một thuở". Cô Khiếu chia sẻ:"Cái lo nhất là làm sao để bảo quản hiện vật bền lâu, làm sao để duy trì bảo tàng hoạt động. Bảo tàng không phải là lưu giữ những hiện vật nữa mà kể cả vật nuôi và cây trồng; cũng có suy nghĩ là mình sẽ làm dịch vụ khai thác từ bảo tàng để lấy vốn. Nói chung là làm cái này cũng thấy mệt mỏi vì xa chồng, xa con, xa cháu; nhiều lúc nghĩ cũng thương các cháu nhưng khi thấy khách đến đây người ta vui thì mình cũng hết mệt mỏi."

Nằm giữa biển lúa mênh mông bát ngát, bảo tàng Đồng quê như điểm nhấn ấn tượng trong bức họa yên bình của xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định/.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu