Việt Nam ưu tiên thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã và đang nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), đang diễn ra tại Vương quốc Anh, khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên. Điều này để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân của quốc gia đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong mục tiêu phát triển vì quyền con người.

Việt Nam ưu tiên thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV

Từ năm 2005, sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, một số chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu đã được Việt Nam ban hành. Pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trực tiếp hoặc có liên quan như tài nguyên nước, đa dạng sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, thủy lợi, giao thông, năng lượng, công nghiệp, y tế, môi trường… Trong đó, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 dành một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý phát thải khí nhà kính; các chất làm suy giảm tầng ozone; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường; thu hồi năng lượng từ chất thải; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam được tiếp cận theo cả hai hướng: nỗ lực xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu và lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong chính sách, pháp luật của một số ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp. Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên; gắn trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu gắn với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về môi trường, một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị. Trong điều kiện hiện nay, quyền tiếp cận thông tin môi trường là một công cụ hữu hiệu trong việc tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân trong việc thực thi chính sách và quy định về biến đổi khí hậu.

Việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được gắn với việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường. Quy hoạch bảo vệ môi trường ở Việt Nam có tầm nhìn dài hạn và tổng thể về bảo vệ môi trường, gắn kết thực sự giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội và là cơ sở điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đặc biệt là phát triển bền vững. Việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu cũng gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án đầu tư.Theo đó, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các dự án đầu tư đều phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược theo trình tự, thủ tục được quy định.

Quyền con người cũng được Việt Nam đảm bảo trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu gắn với việc quản lý phát thải khí nhà kính, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, trong phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Việt Nam ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu gắn với hoạt động khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo ra sự phát triển bền vững.

Không chỉ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu,Việt Nam cũng tích cực hợp tác và tham gia vào các cơ chế quốc tế về đảm bảo quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam liên tục tham gia soạn thảo và trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiều Nghị quyết về bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu để Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc  xem xét và thông qua. Cũng cần phải kể tới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với mối lo chung toàn cầu về tình trạng biến đổi khí hậu. Không chỉ tại Hội nghị COP 26 lần này mà trên các diễn đàn hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu hoặc các cuộc tiếp xúc ngoại giao từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã và đang khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết quốc tế, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan và mong muốn hợp tác với các quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu