Việt Nam thúc đẩy đảm bảo quyền con người theo khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam chính thức chấp thuận 241 khuyến nghị UPR chu kỳ III vào tháng 1/2019 và đã triển khai thực hiện các khuyến nghị một cách đồng bộ, toàn diện.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) và có nhiều bước tiến thực chất trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới. Thành quả này là cơ sở để tiếp tục triển khai tầm nhìn, đường lối,chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam chính thức chấp thuận 241 khuyến nghị UPR chu kỳ III vào tháng 1/2019 và đã triển khai thực hiện các khuyến nghị một cách đồng bộ, toàn diện. Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới.

Việt Nam thúc đẩy đảm bảo quyền con người  theo khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ - ảnh 1Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới. Ảnh: Nguyễn Hồng

Về việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách lao động quốc gia, Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam hiện đã đảm bảo tương thích với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và LHQ về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập. Việt Nam cũng đang xây dựng hồ sơ gia nhập Công ước số 87 của ILO về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức và chuẩn bị cho việc tham gia Công ước quốc tế của LHQ về Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CRMW)… Các nỗ lực này nhằm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đưa Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội của Việt Nam thời gian qua đạt thành tựu nổi bật. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững 2021-2030 hướng tới giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Chương trình cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo; giảm bất bình đẳng xã hội, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Để tiếp tục thực hiện các khuyến nghị UPR, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, (LĐTBXH), vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định quy trình rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2021-2025. Bộ LĐTBXH đồng thời triển khai nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các chính sách giảm nghèo đa chiều (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) theo hướng tăng cường hỗ trợ, hướng tới tạo việc làm và thu nhập bền vững, giảm chính sách cho không để giảm nghèo bền vững.

Việt Nam thúc đẩy đảm bảo quyền con người  theo khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ - ảnh 2Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 22/10. Ảnh: Thu Trang

Trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới, ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030 đã đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nhằm triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR về bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng tăng cường việc triển khai các quy định pháp luật về lao động, việc làm; thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động. Cùng với đó, Luật Bình đẳng giới cũng tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.

Việc tiếp tục thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III phù hợp với chủ trương, chính sách được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.Thực tiễn triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III thời gian qua đã đảm bảo rõ việc toàn dân được thụ hưởng quyền con người, qua đó thể hiện tính nhân văn trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam với mục tiêu xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu