Lấy phiếu tín nhiệm: nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -  Trước đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào các năm 2013, 2014 và 2018.     

Hôm qua (25/10), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hình thức giám sát quan trọng, cho thấy sự đánh giá của Quốc hội đối với kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Quan trọng hơn, lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, tạo động lực cho đất nước phát triển.

Đây là lần thứ 4, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Trước đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào các năm 2013, 2014 và 2018.

Lấy phiếu tín nhiệm: nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước - ảnh 1Ảnh: quochoi.vn

Hoạt động quan trọng của công tác cán bộ

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, được thực hiện định kỳ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, việc lấy phiếu tín nhiệm không nằm ngoài mục tiêu đó. Đây là kỳ họp đầu tiên việc lấy phiếu tín nhiệm áp dụng theo Nghị quyết 96 do Quốc hội thông qua hồi tháng 6 năm nay. Điểm quan trọng nhất của Nghị quyết này là quy định rất rõ hệ quả của kết quả lấy phiếu. Theo đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm có 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với  các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thể hiện sự ghi nhận của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố hôm qua cho thấy cả 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã “vượt qua” đợt sát hạch quan trọng này bằng số phiếu “tín nhiệm cao” áp đảo. Việc đánh giá bằng hình thức bỏ phiếu kín đã bảo đảm sự công tâm, khách quan trong công tác đánh giá cán bộ.

 Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng trong công việc này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: "Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị khẩn trương nhưng thận trọng, nghiêm túc, trách nhiệm cao của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội thống nhất cao thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn."

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, kết quả lấy phiếu tín nhiệm hôm qua cho thấy sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này không chỉ là đánh giá năng lực cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm, đằng sau đó là sự kỳ vọng, mong muốn của hệ thống đối với ngành, lĩnh vực do cá nhân phụ trách.

Ngay cả việc tín nhiệm thấp cũng là cơ hội để từng người được đánh giá, nhìn nhận lại hoạt động của mình. Đối với người có tín nhiệm cao cũng có sức ép phải làm tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn trong thời gian tới.

Do vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là hoạt động giám sát của Quốc hội mà nhìn rộng hơn, hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng:            

"Ở đây có sự nhìn nhận toàn diện, khách quan về chất lượng trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đối với những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, chắc chắc sẽ có sự chuyển dịch tích cực, nhanh hơn, toàn diện hơn trong hoạt động của những người trong cuộc."

Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ lần này chính là đợt trắc nghiệm đầu tiên để đánh giá nỗ lực vượt khó của các bộ, ngành, cũng là cách để định hình hoặc điều chỉnh kế hoạch trong giai đoạn nước rút, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ. 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là một kênh quan trọng giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu tiếp tục là một trong những thành công để giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước có bước phát triển mới trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, cũng là kinh nghiệm cho công tác cán bộ cho những khóa tiếp theo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu