Theo đó, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình, sau đó biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn sau khi danh sách lấy phiếu được thông qua.
Lấy phiếu tín nhiệm là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: quochoi.vn |
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết số 96 (ngày 23/6/2023) của Quốc hội, gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo Phó ban Công tác Đại biểu, Nguyễn Tuấn Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận đầy đủ báo cáo công tác từ đầu nhiệm kỳ và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm. Báo cáo cũng đã được gửi đến đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp.
Về phía các đại biểu Quốc hội, chia sẻ với báo giới, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh:"Rất khách quan, rất công tâm, không thể vì áp lực nào đó mà đánh giá sai hay vì cá nhân mà đánh giá không tốt cho người đó. Mình là đại biểu Quốc hội, người dân đã gửi gắm, tín nhiệm bầu tham gia nghị trường thì cần phải có sự công tâm."
Theo đại biểu Trần Quang Minh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để làm tốt công tác sắp xếp cán bộ, phù hợp với sở trường, năng lực từng người.