Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản Thế giới

Chia sẻ
(VOV5) - Hiện 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã hoàn thành cơ bản khối lượng Hồ sơ khoa học Yên Tử. 

Với những giá trị nổi bật riêng có, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đang đứng trước cơ hội được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Hiện các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đang tích cực hoàn thiện hồ sơ chính thức, gửi đến UNESCO trong năm 2022.

Yên Tử là dãy núi thiêng gắn với danh xưng “đất Phật”, nơi tìm về hành hương, thưởng ngoạn những ngôi chùa tháp cổ kính ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên kì vĩ. Giá trị của Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử bao trùm suốt hơn 700 năm lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 

Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản Thế giới - ảnh 1Di tích và Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) là điểm đến nổi tiếng nhất trong quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: VOV

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, các cụm di tích cấu thành như Khu di tích danh thắng Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, từng bước bảo vệ, tôn tạo và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 

Tháng 1/2021, Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản Thế giới - ảnh 2Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ tạo dựng và phát triển Thiền phái Trúc Lâm thuần Việt với tinh thần "hoà quang đồng trần", gắn đạo với đời, phụng sự dân tộc. Ảnh: VOV

 Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Yên Tử có giá trị vô cùng to lớn, đa dạng, phạm vi nghiên cứu trải dài hơn 11 nghìn km2, cho nên chúng ta phải làm hồ sơ trên 4 tiêu chí. Trong lịch sử chưa có hồ sơ Di sản nào làm trên 4 tiêu chí như vậy, đây cũng là khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên qua quá trình làm việc 2 năm qua, tôi thấy rằng đây không phải là khó khăn mà là sức mạnh tổng hợp, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của 3 tỉnh trong thực hiện."

Hiện 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã hoàn thành cơ bản khối lượng Hồ sơ khoa học Yên Tử. Theo lộ trình, Hồ sơ lần 1 đề cử sẽ hoàn thiện trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7; Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO sẽ hoàn thiện trước ngày 31/12/2022.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu