Tự hào Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90)

Chia sẻ
Những cán bộ, phóng viên năm xưa của Đài Phát thanh giải phóng luôn dõi theo bước tiến của Đài TNVN.

Những cán bộ, phóng viên năm xưa của Đài Phát thanh giải phóng luôn dõi theo bước tiến của Đài TNVN.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đài Phát thanh Giải phóng mật danh là CP 90 đã đóng góp quan trọng trên làn sóng TNVN. Các cán bộ, phóng viên kỹ thuật viên ra đi từ “Mái nhà chung” 58, Quán Sứ, Hà Nội vào chiến trường miền Nam viết tin bài gửi về đất Bắc hoặc xây dựng Đài phát thanh giải phóng địa phương.

Tại thành phố Đà Nẵng, hiện còn 15 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Giải phóng đang nghỉ hưu. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng những cán bộ CP 90 năm xưa vẫn còn giữ nguyên tình yêu đối với “ngôi nhà” Tiếng nói Việt Nam.

Đến bây giờ, bà Nguyễn Thị Anh Trang, người đầu tiên đọc bản tin giải phóng Đà Nẵng trên Đài phát thanh Đà Nẵng vẫn nhớ như in những kỷ niệm làm báo phát thanh ở chiến trường Khu 5 ác liệt.


Tự hào Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90) - ảnh 1
Bà Anh Trang phát biểu tại buổi gặp mặt CP 90 do VOV miền Trung tổ chức


Bà Anh Trang kể: Năm 1973, bà được phân công vào chiến trường với nhiệm vụ là phóng viên của Đài Phát thanh giải phóng phản ánh tinh thần chiến đấu, nổi dậy đánh chiếm căn cứ địch, mở rộng vùng giải phóng của bộ đội và nhân dân Quảng Nam. Hình ảnh những cô giao liên nhỏ nhắn, nhưng lanh lẹ dũng cảm ghi dấu ấn đậm nét nhất trong tim người phóng viên chiến trường.

Bà Trang nhớ lại: Sau khi viết xong tin bài, người viết bỏ vào phong bì và tùy theo mức độ khẩn cấp mà đề nghị giao liên chuyển đi. Nếu phong bì có ghi “hỏa tốc” thì giao liên phải chạy bộ từ những vùng ven giải phóng để chuyển về Ban Biên tập ở Khu ủy khu 5, sau đó được chuyển ra Hà Nội để phát trên Đài TNVN. Theo bà Trang, chính nhờ vậy mà khí thế tấn công, nổi dậy của quân và dân Quảng Nam được chuyển đi kịp thời và phát sóng trên Đài TNVN, làm nức lòng quân dân cả nước: “Những năm tháng đó thì cực kỳ là vất vả. Là một phóng viên, tôi phải có nhiệm vụ là phải đưa cho được tinh thần của bà con nhân dân ở vùng giải phóng lúc nào cũng hướng về cách mạng. Đây cũng là một niềm vui, sự cổ vũ động viên đối với người phóng viên lăn lộn với gian khổ”- Bà   Anh Trang  tâm sự.

Cùng chung kỷ niệm với bà Anh Trang, nhạc sĩ Trần Hồng, nguyên phóng viên văn nghệ, Đài Phát thanh Giải phóng nhớ nhất là những bài báo phát thanh phải vượt qua bom đạn mới đến được Ban Tuyên huấn ở Khu ủy khu 5.

Sau khi qua kiểm duyệt, biên tập mới được truyền về Hà Nội bằng mật mã morse để phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Gian khổ, thiếu thốn đã rèn luyện cho những nhà báo phát thanh ở chiến trường khu V tinh thần anh dũng, chịu đựng, tư duy làm việc độc lập, tính cẩn thận trong chuyên môn.


Suốt những năm ở chiến trường, ông Trần Hồng miệt mài sưu tầm, ghi chép cẩn thận những điều tai nghe mắt thấy từ thực tế cuộc sống. Nhờ vậy, sau 20 năm về hưu, ông đã xuất bản 15 đầu sách về văn nghệ dân gian. Trong đó có tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như “Âm nhạc kịch dân ca”; “Nhạc đàn dân ca”.

Tự hào Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90) - ảnh 2
Nhạc sĩ Trần Hồng, 84 tuổi vẫn không ngừng viết


Hiện nhạc sĩ Trần Hồng đang tiếp tục hoàn thiện tác phẩm “Âm nhạc dân tộc Chăm –sự giao thoa giữa nhạc Chăm và Nhạc Việt”. Về hưu đã lâu nhưng nhạc sĩ Trần Hồng vẫn tiếp tục viết và xuất bản sách đều đặn là nhờ vốn sống tích lũy trong những năm làm việc.

Hồi từ trên núi xuống đồng bằng, ban đêm đi công tác, ban ngày nấp dưới hầm, các mẹ, các chị xuống hầm nuôi tôi.  Trong lúc ở với họ, tôi khơi gợi các bà già hát bài chòi, hát hò khoan, dân ca Quảng Nam, nói vè Quảng, nhất là hát sắc bùa. Sau này, tôi lục ra in thành tập sách hát sắc bùa, dân ca Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định”- nhạc sĩ Trần Hồng bộc bạch.

Những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên năm xưa của Đài Phát thanh giải phóng hiện nghỉ hưu tại khu vực miền Trung nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Có người tiếp tục viết lách, nghiên cứu, có người tuổi cao sức yếu phải nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Nhưng ai cũng có chung niềm vui là luôn theo dõi các phương tiện truyền thông của Đài TNVN. Các bậc lão thành ở Đài Phát thanh giải phóng năm xưa đều vui mừng vì sự phát triển không ngừng của Đài TNVN trên mọi phương diện. Điều mà ông Hồng Mão, nguyên phóng viên Đài Phát thanh giải phóng mong muốn là Đài TNVN đi đầu trên lĩnh vực chống tham nhũng.

Ông Hồng Mão chia sẻ: “Tôi muốn nói với các nhà báo trẻ hiện nay là nên nhớ công lao, sự hy sinh của những người đi trước để cố gắng làm sao có những bài báo tốt, trung thực và góp sức trong lĩnh vực chống tham nhũng”.

Những trai thanh gái tú năm xưa ra đi từ Đài Phát thanh Giải phóng, từ mái nhà chung tiếng nói Việt Nam, nay mái đầu đã bạc nhưng trong tim họ vẫn nóng hổi tình yêu với làn sóng Tiếng nói Việt Nam./.

Thanh Hà/VOV-miền Trung

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu