Trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE

Thu Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Dysnomia Live là thành quả hợp tác của hai nghệ sĩ tài năng người Pháp: Thomas Julienne (nghệ sĩ đại hồ cầm kiêm nhà soạn nhạc) và Alexandre Dupeyron (nhiếp ảnh gia)

Buổi trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE diễn ra vào 9/12/2022, tại Trung Tâm Văn Hoá Thanh Thiếu Nhi tỉnh Lâm Đồng, trong khuôn khổ hưởng ứng Festival Hoa - lần thứ IX của UBND TP. Đà Lạt. Chương trình do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Thành phố Đà Lạt và Phố Bên Đồi Creative Studio thực hiện.  

Trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE  - ảnh 1Đêm diễn là cuộc đối thoại giữa nhiếp ảnh và âm nhạc, nơi khán thính giả sẽ được đắm chìm trong cả hai thế giới nghệ thuật song hành. - Ảnh: Viện Pháp

Dysnomia Live là thành quả hợp tác của hai nghệ sĩ tài năng người Pháp: Thomas Julienne (nghệ sĩ đại hồ cầm kiêm nhà soạn nhạc) và Alexandre Dupeyron (nhiếp ảnh gia). Buổi biểu diễn là một trải nghiệm độc, lạ và đầy cuốn hút, nơi mỗi nghệ sĩ cần vượt qua các giới hạn trong phương thức biểu đạt của bản thân để đối thoại với tha nhân.

Nhiếp ảnh gia Alexandre Dupeyron chọn lọc các tác phẩm nhiếp ảnh sẽ được trình chiếu trực tiếp trên sân khấu để đối thoại với mạch âm nhạc trong đêm diễn live.

Đắm chìm trong không gian vô tận đầy hỗn độn, tác phẩm của Alexandre Dupeyron được thể hiện qua nhiều tầng bậc, từ vĩ mô đến vi mô, mời gọi chúng ta vào cuộc hành trình xuyên vật chất. Vượt khỏi tính hiện thực đặc trưng trong nhiếp ảnh, các tác phẩm của Alexandre Dupeyron mang đến những hình ảnh mơ hồ, mang màu sắc hư cấu, gợi mở về sự hình thành của một thế giới nguyên sơ.

Trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE  - ảnh 2Các nghệ sĩ biểu diễn tại Pháp

Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ đại hồ cầm Thomas Julienne nương theo mạch kể, cấu trúc và chủ đề của cuốn sách cùng tên của nhiếp ảnh gia Alexandre Dupeyron để “phổ nhạc” những tác phẩm nhiếp ảnh trong cuốn sách đó. Bằng cách sắp xếp theo chủ đề, nghệ sĩ đã sáng tác cho nhóm ngũ tấu Theorem of Joy một loạt tác phẩm âm nhạc giúp tôn vinh ý nghĩa của các tác phẩm nhiếp ảnh.

Tám bản nhạc khác nhau cho ngũ tấu “Theorem of joy” đã Thomas Julienne được khéo léo viết nên bằng chất liệu âm nhạc hậu Ấn tượng đa phần lấy cảm hứng từ âm nhạc của Maurice Ravel, Igor Stravinsky hay Lili Boulanger. Tuy nhiên, Thomas Julienne lại tìm kiếm những tương phản, những sắc màu bổ sung cùng một số giai điệu tối giản mang phong cách của nhà soạn nhạc Arvö Part cho các tác phẩm của mình.

Trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE  - ảnh 3Khán giả theo dõi chương trình tại Pháp - Ảnh: Viện Pháp

Bóng tối và ánh sáng đồng tại - các sáng tác của Theorem of joy đều có sự tương phản mạnh mẽ, nơi một số mảng đen sẽ làm nổi bật sự rực rỡ của các giai điệu. Những nhịp điệu chậm rãi, khoan thai sẽ dìu dắt khán giả đắm mình vào một trạng thái đầy chiêm nghiệm. Một vũ điệu dặt dìu của âm nhạc và nhiếp ảnh mang đậm tính biểu tượng. Ngũ tấu “Theorem of joy” là sự kết hợp của các nhạc cụ kéo vĩ, gảy dây cùng giọng hát. Âm thanh của giọng hát, tiếng đàn violon, đàn đại hồ cầm (contrabass), đàn guitar và nhịp trống hòa quyện vào nhau để tạo nên một bức tranh âm điệu và tô sắc cho những bản nhạc của Thomas Julienne một cách tinh tế nhất.

Trình diễn đối thoại nhiếp ảnh & âm nhạc - DYSNOMIA LIVE  - ảnh 4Các nghệ sĩ trong chương trình tại Pháp - Ảnh: Viện Pháp
Dysnomia Live hứa hẹn mang đến những giai điệu jazz rực rỡ, vừa đậm chất phương đông vừa rất cổ điển, lấp lánh sắc màu của post - rock và sự quyến rũ, kín đáo khó cưỡng của những tài năng bậc thầy luôn biết cách tôn vinh các tác phẩm của mình. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu