Tết nguyên đán là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, là dịp để mọi người đoàn tụ gia đình, trở về quê hương và nhớ về với tổ tiên. Trải qua bao biến động của lịch sử nhưng truyền thống tốt đẹp này vẫn còn mãi với thời gian trong đời sống của người Việt. Người Việt luôn tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới an lành tốt đẹp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ bao đời nay, trong chu kỳ 1 năm, người Việt vẫn duy trì những cái Tết như Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết dương lịch, Tết nguyên đán. Trong những ngày lễ ấy, mọi người đều tạm gác những lo âu mưu sinh, bộn bề cuộc sống để hoan hỉ mở lòng với thiên nhiên hòa cùng đất trời, bày tỏ yêu thương, hòa ái với nhau nhiều hơn. Trong đó, Tết nguyên đán (còn gọi là Tết cả) là quan trọng nhất.
Tết là thời điểm báo hiệu một mùa xuân mới đem đến nhiều niềm vui và hi vọng.
Ảnh minh họa |
Theo PGS, TS Đỗ Đình Trụ đây là thời điểm kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, tống tiễn những điều xấu và chào đón một chu kỳ mới. Tiết xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, hòa quyện với quy luật tự nhiên và trên hết Tết là dịp của sự đoàn tụ: “Tết có từ ngàn xưa đã đi vào tâm khảm của mỗi gia đình Việt. Dù chúng ta làm ăn vất vả, đi đâu về đâu, ở trong nước hay nước ngoài nhưng Tết là dịp để hướng về gia đình. Nên Tết nguyên đán còn gọi là Tết sum vầy, ở đây thể hiện tất cả những văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt.”
Không khí dịp Tết nguyên đán của người Việt thường bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo. Vào ngày này, gia đình Việt nào cũng sửa soạn một mâm cỗ tươm tất, cá chép (còn sống hoặc bằng giấy) hương hoa để cúng ông Táo lên chầu trời. Từ lúc đó, mọi người cố gắng hoàn tất mọi việc, trở về trang hoàng nhà cửa, sắm sửa bày biện, đón người thân trở về để cùng vui vẻ bên mâm cỗ giao thừa, quanh nồi bánh chưng đậm hương mùi Tết.
Tết là dịp để gia đình sum vầy đoàn tụ. Ảnh minh họa |
Đây là phong tục đậm đà bản sắc nhất, đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Về ý nghĩa tâm linh, nhà nghiên cứu Phạm Tứ cho rằng, vào những ngày Tết, mọi người đều tin rằng tổ tiên sẽ trở về hiện diện trên ban thờ gia tiên, chứng kiến lòng thành con cháu và phù hộ toàn gia khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, vạn sự hanh thông: “Lễ Tết ở Việt Nam rất quan trọng. Ngày ông Táo lên chầu Trời, ngày nay như là người nhà nước mình tổ chức lễ tổng kết một năm đã qua và đánh giá phương hướng năm mới. Sau ngày ông Công, ông Táo họp mặt gia đình, thì đêm giao thừa nhớ đến Tổ tiên. Con cháu đứng trước ban thờ, kính cáo các cụ chúng con đã sống như thế nào. Đêm giao thừa, người Việt làm lễ ở ngoài sân để kính cáo đón một ông quan hành khiển nhiệm kỳ mới. Cả gia đình có bữa ăn đầu tiên năm mới. Rồi sáng mùng 1 ai cũng hồ hởi đón chào sắc xuân và cứ thế cho đến ngày nhà nhà làm lễ hóa vàng, cung tiễn tổ tiên”.
Ở các làng quê Việt vẫn duy trì đầy đủ phong tục gói bánh chưng xanh ngày Tết.
Ảnh minh họa |
Thật vậy, trong tiềm thức, người Việt đều tin rằng, ngày Tết chính là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc và rõ nét nhất. Hướng về tổ tiên cũng chính là giá trị tình cảm của người Việt với Tết nguyên đán.
Theo giáo sư sử học Dương Trung Quốc, những nghi lễ đón tết xưa luôn hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn và còn nguyên giá trị đến ngày nay, có chăng chỉ là cách thể hiện sao cho phù hợp với hoàn cảnh: “Ngày Tết là lúc bắt đầu ta được hưởng thụ nghỉ ngơi nhưng đừng quên công việc mà ta đang làm. Cho nên mới có lễ Phong ấn, rồi lễ Khai ấn- ngày bắt đầu công việc mới của triều đình. Rồi lễ Tiến xuân tức là đón mùa xuân để muôn dân tin vào một năm mới tốt đẹp hơn. Đó là tâm trạng không chỉ của người dân mà của người đứng đầu một quốc gia. Nó cho thấy trong bất kỳ cương vị xã hội nào thì lễ nghĩa mang giá trị tinh thần vô cùng quan trọng. Không phải tự nhiên ở triều đại nào cũng có bộ Lễ, quy định trật tự tinh thần để có một xã hội phát triển hài hòa, như cách nói hiện nay là phát triển bền vững”.
Triễn lãm "Cung đình đón tết "tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà nội. Ảnh Hà Linh |
Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cổ truyền cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhịp sống. Tuy nhiên, giữa những biến chuyển không ngừng vẫn còn đó những giá trị “bất biến” về văn hóa và tinh thần, mà bất cứ người con đất Việt dù sống ở đâu, ở hoàn cảnh nào vẫn nhận ra và trân trọng, đúng như quan điểm của nhà nghiên cứu Phạm Tứ: “Bây giờ có ý kiến là bỏ ăn Tết ta. Bỏ sao được khi Tết đã là mang hồn Việt rồi. Quan điểm Không thể nào gộp với Tết tây được. Trong một thế giới phẳng như hiện nay có những tiếp thu từ nước ngoài, có những biến diễn và cũng có cái hay nhưng hãy quay lại nói về những gì ta đang có và duy trì nó. Nhưng cũng phải ngược lại cũng nên để cái Tết nhẹ nhàng, đừng làm nên gánh nặng cho cả xã hội. Tết cũng đừng để cho tai nạn giao thông, rồi rác rưởi xảy ra.”
Những tư liệu lịch sử về Tết xưa nơi cung đình triều Nguyễn. Ảnh Hà Linh |
Chính vì lẽ đó dù cuộc sống ngày nay theo hướng hiện đại, xu hướng tiết giảm lễ nghi như thế nào thì đến ngày Tết, người Việt vẫn cần duy trì những thói quen, phong tục đẹp, bởi nó chính là bản sắc người Việt không nơi nào có. Ngày xưa, các nghi lễ đón Tết dù diễn ra long trọng ở cung đình hay hay gần gũi trong nhân dân đều đề cao truyền thống hiếu nghĩa, biết ơn tổ tiên nguồn cội.
Trong đó, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai cũng đều nhớ đến câu “Mùng một tết cha, mùng 2 Tết mẹ mùng 3 Tết thầy: “Đó là những phong tục hết sức tốt đẹp mà hiện nay chúng ta đang cần. Nhiều khi chúng ta cho rằng đó là những cái lạc hậu nhưng đó là phong tục rất văn minh và tốt đẹp chúng ta phải giữ gìn và phát huy. Tết nguyên đán là sự báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Một trong truyền thống của dân tộc ta là tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo qua câu nói rất hay là Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư nghĩa là tất cả những người dạy mình dù nhiều hay ít mình đều phải biết ơn và trân trọng.”
Hình ảnh ông đồ, giấy đỏ gắn liền với văn hóa Việt Nam. Ảnh:Minh Nhi |
So với những hình thức sinh hoạt và cả giá trị tinh thần giữa Tết xưa và Tết nay, người Việt còn giữ được rất nhiều nét đẹp văn hóa, có chăng thì những cách thức thể hiện nghi lễ phép tắc ngày Tết ít nhiều thay đổi cho phù hợp với thời đại.
Song trong tâm thức của mỗi người, Tết nguyên đán luôn chứa đựng đầy đủ nhất những giá trị thiêng liêng mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần người Việt nhất. Tết Việt không chỉ là nét văn hóa mà là tài sản tinh thần vô cùng quý giá do ông ta gây dựng, bởi trong nó chứa đựng vô vàn ý nghĩa của những điều đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng nhất.