Sự uốn éo của đô thị - múa đương đại và giao thoa văn hóa

Nguyễn Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm và vở múa là sự kết hợp của 3 nghệ sỹ, khai thác chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị thông qua hội họa, vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt.

Trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại : Sự gặp gỡ Á – Âu 2017, Triển lãm- sắp đặt Chuyển mình hứng khởi  của 3 nghệ sỹ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy-Nguyên khai mạc vào 18h ngày 21.09 tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp và vở múa đương đại Sự uốn éo của đô thị của đoàn nghệ thuật t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e vào 8h tối thứ 7, 23/9 tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội; và tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 14.10.2017.

Sự uốn éo của đô thị - múa đương đại và giao thoa văn hóa - ảnh 1

(Ảnh do đoàn múa T.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e cung cấp)

Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” là sự kết hợp của 3 nghệ sỹ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy-Nguyên, khai thác chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị trên nhiều khía cạnh thông qua hội họa, vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt. Ba nghệ sĩ đến từ những vùng đất khác nhau cùng quan sát một cách kín đáo những thay đổi mà các đô thị lớn ở Việt Nam đang trải qua bằng một cái nhìn lạc quan, với một thái độ có chút bông đùa, tinh nghịch. Triển lãm diễn ra từ 22/9 đến 4/11

Là sự hòa trộn nghệ thuật múa, âm nhạc và nghệ thuật thị giác, vở múa đương đại "Sự uốn éo của đô thị" đã từ bỏ cái nhìn thi vị về một thế giới mĩ miều khi đề cập đến vấn đề giới hạn của thể xác và tinh thần trong không gian sống của con người. Không gian sống là gì và chúng ta đang chia sẻ nó với nhau như thế nào? Ta tiếp nhận người lạ và những khác biệt văn hóa ra sao? Các vũ công và nhạc công trong "Sự uốn éo của đô thị" sẽ "cộng sinh" trong những quả bóng khí trong suốt, tựa như những khối u của thành phố hiện đại, nơi con người đang ngày càng bị giam hãm, tù đày. Với phần âm nhạc và vũ đạo vừa hoang dã vừa tinh tế, vở múa nêu ra những vấn đề liên quan đến sự giao thoa giữa các nền văn hóa cùng những trở ngại trong việc xây dựng một thế giới tươi đẹp trong mơ.

Sự uốn éo của đô thị - múa đương đại và giao thoa văn hóa - ảnh 2Vở múa Sự uốn éo của đô thị” với Pierre Larauza - Ảnh do đoàn múa T.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e cung cấp.

Vở múa Sự uốn éo của đô thị” hai nghệ sĩ Pierre Larauza và biên đạo Emmanuelle Vincent (đoàn nghệ thuật t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e) lên ý tưởng trong khuôn khổ Festival Avignon 2010. Kể từ đó, vở múa đã được giới thiệu tới khán giả tại nhiều đất nước trên thế giới, qua các chương trình lưu diễn nghệ thuật liên tục, từ Washington tới Hồng Kông, Tallinn hay Lisbonne. Ở mỗi đất nước, hai giám đốc nghệ thuật Pierre Larauza và Emmanuelle Vincent luôn hợp tác với một nhạc sĩ hay một vũ công địa phương để hiện thực hóa ý tưởng về sự kết hợp văn hóa. Mỗi màn trình diễn đều thổi cái hồn mới và riêng cho vở múa.

Lần đầu tiên được biểu diễn tại Việt Nam, phiên bản đặc biệt này của "Sự uốn éo của đô thị" là kết quả của sự hợp tác giữa đoàn múa Pháp-Bỉ t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e với nhạc sĩ trẻ tài năng Việt Nam Teddy Chilla.

Vở múa nằm trong khuôn khổ Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á Âu” với sự hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles, Trung tâm văn hóa Pháp tại Việt Nam.

Thy Nguyên Trương Minh là họa sĩ, giáo viên người Bỉ gốc Việt. Sinh ra và lớn lên tại Bỉ, trong một gia đình có bố mẹ là người Việt, những chuyến đi về giữa 2 vùng đất châu Âu và châu Á cùng những giao thoa giữa hai nền văn hóa đã có ảnh hưởng lớn tới quá trình sáng tạo nghệ thuật của anh. Anh quan tâm tới những hiện tượng, biến đổi ở các đô thị nhằm mô tả bức chân dung thi vị về thực tại.    

Nữ biên đạo, diễn viên múa người Pháp Emmanuelle Vincent dùng cái nhìn của múa để kể về một hiện tượng đô thị rất đặc trưng của Việt Nam. Tác phẩm “Bảng chữ cái hỗn độn của Emmanuelle được tạo nên từ 58 bức ảnh chụp trong vở múa “Mutante (Biến thể) tái hiện thành công hình ảnh thú vị: những người phụ nữ mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông. “Bảng chữ cái hỗn độn là một bảng từ vựng phức tạp về biên đạo, tạo nên những đối thoại giữa ngôn ngữ truyền thống và đương đại.

Pierre Larauza là một nghệ sĩ đa năng : kiến trúc sư, nhà dựng phim, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ tạo hình, các tác phẩm của anh đã tham gia vào nhiều dự án nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Tác phẩm sắp đặt của anh trong triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” đề cập đến mối dây gắn kết giữa điêu khắc và lưu trữ tư liệu, thông qua việc tái hiện hình ảnh chiếc xe máy Honda được xem như huyền thoại một thời, ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong xã hội Việt Nam. Tác phẩm điêu khắc “Xe gắn máy” là chiếc xe máy bị phân thành nhiều mảnh, treo lơ lửng trên không trung, đưa người xem đến với một ảo ảnh của đô thị cũ, của quá khứ. Chơi vơi giữa mộng ảo và thực tại, nghệ sĩ phải đối mặt với nỗi nhớ và tương lai không đoán định. Các dự án hiện nay của anh kết hợp giữa múa, điện ảnh và các hiện tượng đô thị. Hợp tác cùng người bạn của mình – nữ biên đạo Emmanuelle Vincent, Pierre Larauza sẽ tham gia với vai trò diễn viên múa trong “Sự uốn éo của đô thị”

Đoàn nghệ thuật t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e được thành lập vào năm 2003 tại Hồng Kông từ sau cuộc gặp gỡ giữa nghệ sỹ tạo hình Pierre Larauza và biên đạo múa Emmanuelle Vincent. Hai nghệ sĩ đã phối hợp với nhau, kết hợp vũ đạo, kiến trúc và điện ảnh vào từng vở diễn, từng thước phim. Họ sống, sáng tác tại Bruxelles và mang các tác phẩm của mình đến với cả thế giới. 

Song song với quá trình thực hành nghệ thuật, họ cũng hợp tác với nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên và Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong một dự án ba bên Bỉ-Pháp và Việt Nam, mang tựa đề Máy xay sinh tố. Dự án đề ra những câu hỏi về sự đa dạng và làm phong phú lẫn nhau của các nền văn hóa với mong muốn đề cao sự giao thoa văn hóa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu