Lồng tồng - Lễ hội độc đáo của dân tộc Tày ở Hà Giang

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Hằng năm, vào ngày 8 Âm lịch, tháng Giêng, đồng bào dân tộc Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, tổ chức Lễ hội Lồng tồng.

Đến với mảnh đất Hà Giang trong những ngày đầu Xuân, du khách sẽ được tham gia và tìm hiểu nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó có Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, độc đáo, đậm nét văn hóa và giá trị nhân văn của đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc.

Lồng tồng - Lễ hội độc đáo của dân tộc Tày ở Hà Giang - ảnh 1Nghi lễ tạ ơn trời đất tại Lễ hội Lồng Tông. Ảnh: Quang Cường /TTXVN.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Hằng năm, vào ngày 8 Âm lịch, tháng Giêng, đồng bào dân tộc Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, lại tổ chức Lễ hội Lồng tồng. Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lồng thồng, Lùng tùng, Oóc tông, nghĩa là xuống đồng (Lồng là xuống, tông là đồng). Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa tộc người Tày.
Lồng tồng - Lễ hội độc đáo của dân tộc Tày ở Hà Giang - ảnh 2Nghi thức xuống đồng cầy ruộng tại Lễ hội. Ảnh: Quang Cường /TTXVN

Từ trước đây, hội Lồng Tồng thường được tổ chức ở những cánh đồng to nhất, đất tốt nhất trong bản làng. Hiện nay, Lễ hội Lồng tồng được huyện Quang Bình tổ chức tại sân trung tâm của thôn Chì, xã Xuân Giang. Tuy thời tiết đầu xuân vẫn còn giá lạnh, nhưng ngay từ rất sớm, tại sân trung tâm Thôn Chì đã có hàng ngàn người dân và du khách đến tham gia lễ hội. Theo ông Nông Quang Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, Lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Là dịp để người Tày tri ân trời đất, tri ân Tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ, những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái, sự sinh khắc chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người… Ông Nông Quang Chất cho biết: “Lễ hội Lồng tồng chúng tôi gắn với Thôn Chì đề phát triển du lịch cộng đồng. Lễ hội Lồng Tồng cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; nhân dân được bình an”.

Lễ hội Lồng tồng có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Để tổ chức Lễ hội, đồng bào dân tộc Tày ở 9 thôn, bản của xã Xuân Giang đã cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng. Chị Hoàng Thị Thu cho biết: “Mỗi dịp Lễ hội Lồng Tồng, chúng tôi lại chuẩn bị lễ vật để cúng. Lễ vật gồm mâm xôi, con gà, hoa quả, bánh kẹo… Chúng tôi cùng bà con đến tham gia trong trang phục của dân tộc Tày. Xôi, gà chuẩn bị từ ngày hôm trước. Do cúng sớm, từ lúc 5h, nên gạo được ngâm từ hôm trước để dậy sớm đồ xôi, luộc gà. Gạo được chọn từ gạo của địa phương”.

Và anh Hoàng Văn Toàn ở thôn Chì, xã Xuân Giang, chia sẻ: “Xã Xuân Giang có 9 thôn, bản và mỗi thôn, bản đều chuẩn bị một mâm lễ. Lễ cúng sẽ cúng chung nhưng sẽ cầu mong cho nhân dân mỗi thôn, bản được bội thu, bình an”.

Đến giờ làm lễ, 9 mâm lễ được các thôn bày trang trọng trên đàn lễ. Chủ lễ là thầy mo người Tày được dân làng lựa chọn đứng trước mâm lễ khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm mới an khang tốt lành. Sau đó, lần lượt cán bộ và nhân dân các dân tộc trong xã thắp hương cúng trời đất. Ông Nông Quang Chất, Phó Chủ tịch xã Xuân Giang, cho biết thêm: “Thấy cúng phải tìm được người giỏi và am hiểu về phong tục tập quán của địa phương. Thầy cúng sẽ chọn giờ trong khoảng thời gian từ 6-8h sáng, giờ nào đẹp nhất sẽ tổ chức lễ cúng”.

Sau lễ cúng thần linh, trời đất, là nghi thức cày “Tịch điền” để lấy may, lấy phúc cho nhân dân địa phương. Người được chọn thực hiện nghi thức là người đàn ông có uy tín trong cộng đồng, gia đình hòa thuận và là người cày giỏi nhất, đại diện cho người dân trong bản, cày đường cày đầu tiên như một sự lấy may, suôn sẻ cho vụ mùa của năm đó. Anh Hoàng Văn Toàn chia sẻ: “Tuy hàng năm đều được tổ chức nhưng chúng tôi rất vui… Đầu Xuân được gặp nhau, chúc nhau sức khỏe, được tham gia trò chơi… tạo khí thế phấn khởi cho một năm được suôn sẻ, kinh tế phát triển”.

Không thế thiếu trong lễ hội Lồng tồng là các trò chơi dân gian, như: đánh yến, kéo co, đẩy gậy, đi kà kheo, bắt cá suối, thi cấy nhanh… cùng những làn điệu then mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày… Đặc biệt, hấp dẫn là phần thi Tung còn. Để chiến thắng, người chơi phải ném quả còn trúng vòng tròn được bọc giấy đỏ tâm vàng treo trên ngọn tre cao vút. Người Tày quan niệm, nếu quả còn trúng đích khiến miếng giấy bọc trên đó bị thủng thì năm đó dân bản được thần thánh ban ơn, mọi việc đều may mắn, suôn sẻ... Việc duy trì Lễ hội Lồng tồng vào dịp đầu xuân giúp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tụ hội, các chàng trai, cô gái gặp gỡ, giao duyên… Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Hà Giang nói chung và xã Xuân Giang, huyện Quang Bình nói riêng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu