Hồi ký của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Hoàng Hữu Phê

Ngọc Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Nước vẫn chảy dưới chân cầu mụ Kề là cuốn hồi ký của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Hoàng Hữu Phê, người thiết kế Rạp xiếc Trung ương.

Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề là câu chuyện trưởng thành của một cậu bé tỉnh lẻ đã sống qua chiến tranh phá hoại khốc liệt ở khu Bốn và những năm tháng là du học sinh, khám phá kiến thức và những điều mới mẻ từ các truyền thống văn hóa khác, thông qua một tập hợp ngẫu nhiên và lạ lùng của các nơi chốn, từ những địa danh bom đạn ác liệt của Quảng Bình cho đến các khung cảnh đô thị đặc trưng, lần lượt tại Đồng Hới, Hà Nội, Kiev, Bangkok và London.

Hồi ký của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Hoàng Hữu Phê - ảnh 1

Như môt sự trớ trêu của số phận, cậu bé tỉnh lẻ, vốn cảm thấy thoải mái nhất khi sống giữa bạt ngàn cây cỏ không tên ở các khu rừng nhiệt đới dọc theo dãy Trường Sơn, từng đạt giải dịch văn học với cuốn Thao Thức, cuối cùng lại trở nên gắn bó không thể tách rời với công việc chính của đời mình, là nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực cấu trúc đô thị.

Không ngại mình là cậu học trò tỉnh lẻ, không ngại mình là một du học sinh ra đi từ một đất nước đang có chiến tranh, không ngại định kiến, thách thức, Hoàng Hữu Phê chọn cho mình một con đường không hề dễ dàng, và gặt hái được thành tựu không hề nhỏ: ông được tặng giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu đô thị, Urban Studies, cùng với Giáo sư Patrick Wakely (UCL), cho công trình về lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO).

Bách khoa toàn thư Wiley Blackwell về Nghiên cứu Vùng và Đô thị (The Wiley Blackwell Encyclopedia of Urban and Regional Studies (A. M Orum, 2019)), đã đề cập đến lý thuyết Vị thế - Chất lượng, trong cách giải thích về quyết định lựa chọn nơi ở.

Những câu chuyện được luận bàn rôm rả ở Hà Nội một thời, như ý tưởng phố đi bộ, xây nhà chung cư khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, mở rộng Hà Nội… đều liên quan đến ông – một kiến trúc sư có nhiều trải nghiệm về thế giới rộng lớn bên ngoài và mong muốn làm nhiều hơn cho các thành phố ở Việt Nam thông qua các đóng góp về lý thuyết cấu trúc đô thị.

Hồi ký của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Hoàng Hữu Phê - ảnh 2Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê - Ảnh: Báo An ninh thủ đô

Tác giả Hoàng Hữu Phê là kiến trúc sư và nhà quy hoạch, hiện nay là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty thiết kế R&D Consultants.  Ông  theo học lần lượt tại Khoa Kiến trúc ĐHXD Kiev, Khoa Quy hoạch Dân cư Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) và Khoa Quy hoạch Phát triển, Đại học Tổng hợp London (UCL). Ông nhận bằng tiến sỹ Quy hoạch Đô thị năm 1998 tại London và đã công bố quốc tế nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực kiến trúc, vị trí dân cư, cấu trúc đô thị, bất động sản, tôn tạo đô thị và chính sách nhà ở.

Hồi ký của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Hoàng Hữu Phê - ảnh 3

Tại Việt Nam, ông tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình, trong số đó có Rạp Xiếc Trung ương tại Hà Nội, nhà học Đại học Cần Thơ, Trụ sở Viện Dầu khí, các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà, cùng rất nhiều công trình khác, đặc biệt là nhà cao tầng, tại các thành phố trong cả nước.   

“Tôi được giao nhiệm vụ chủ trì thiết kế Rạp xiếc Trung ương trong công viên Lenin, nơi bây giờ là công viên Thống Nhất, sau khi phương án kiến trúc của nhóm do tôi đứng đầu, trong đó có Quý, một cậu bạn học kiến trúc dưới tôi một năm ở Đại học Xây dựng Kharcov, được chọn trong một cuộc thi ý tưởng do Bộ Văn hóa tổ chức.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm là Rạp xiếc Trung ương, như mọi người thấy hôm nay ở Hà Nội, đã không còn gợi đến cảm giác về một chiếc đĩa bay như ý định của tôi ban đầu, và như hình ảnh khá bất ngờ mà chắc nhiều người vẫn còn nhớ khi nó mới được khánh thành, với phần công sơn bê tông (concrete cantilever) của khối khán đài vươn ra đến 5,7m, được cố tình để rất sạch, nhằm tương phản với các cửa trời chếch 45 độ của phần đế, và các trụ thép cùng dây căng đỡ mái được coi là gợi lại hình ảnh các rạp xiếc truyền thống. Hình dáng phần cantilever kịch tính mà tôi đã tốn bao nhiêu công để tạo ra, nay đã biến mất, vì người ta đã làm thêm một không gian kinh doanh bia ở tầng hai.

Các thêm thắt và trang trí diêm dúa, cộng với cách chọn màu sơn khá lòe loẹt về sau này, đã làm rối mắt một cách không đáng có, và còn rất nhiều thứ lẽ ra phải làm khác đi. Cái khó bó cái khôn, sự thiếu thốn chung về vật liệu và công nghệ vào thời tòa nhà này ra đời đã làm tôi không ít lần cảm thấy vừa thất vọng vừa bất lực. Một đề xuất cải tạo lại tử tế toàn bộ công trình này theo đúng như ý định ban đầu, bao giờ cũng là mong muốn mạnh mẽ của riêng tôi.

Tuy nhiên, nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội đã có những phút sung sướng trong tòa nhà rất lớn này với các tiết mục xiếc tuyệt vời, trong đó bộ môn nhào lộn tỏ ra không kém so với chương trình của bất cứ rạp xiếc nào trên thế giới (nếu tin vào các lời bình luận thẳng thắn về rạp xiếc Hà Nội trên trang web của TripAdvisor Inc.), đã làm tôi cảm thấy mong muốn lớn nhất của những người thiết kế như chúng tôi ít nhất cũng được thực hiện, dù không trọn vẹn.

Lúc rạp xiếc ra đời, nó đã thực sự là một công trình đầy thách thức đối với ngành xây dựng Việt Nam thời bấy giờ, kể cả về quy mô, độ phức tạp kỹ thuật và tính hiếm hoi về mặt chủng loại. Và nếu có ai quan tâm về hiệu quả đầu tư cho các cơ sở biểu diễn nghệ thuật, một vấn đề khá thời sự của ngày hôm nay, thì theo chỗ tôi biết, Rạp xiếc Trung ương chưa bao giờ phải dựa vào bao cấp để tồn tại!"

(Trích đoạn Nước vẫn hcayr dưới chân cầu mụ Kề - Hoàng Hữu Phê) 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu