Đây là công trình kiến trúc thành lũy quân sự, là một trong những quan ải hùng tráng bậc nhất ở Việt Nam. Dự án nhằm bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Di tích này có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826 ở độ cao khoảng 490 m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân. Di tích thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng); cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90 km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28 km về phía Nam. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, cách đây 7 năm, ngày 14/7/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Các đại biểu hai địa phương Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm tại Hải Vân quan. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Đây là một di sản vô giá thể hiện sự đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng tôi phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ ứng dụng công nghệ số để khách đến tham quan thuận lợi hơn.”
Kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, di tích quốc gia Hải Vân Quan đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng đang tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số như triển khai ứng dụng công nghệ (3D), phủ sóng Wifi miễn phí nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản, cập nhật kịp thời các dịch vụ, tiện ích hiện có trong hành trình tham quan di tích quốc gia Hải Vân Quan. Đồng thời, triển khai các hạng mục phụ trợ, đặc biệt là khu vực hậu cần dịch vụ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà nẵng luân phiên quản lý, khai thác Hải Vân quan trong 3 năm. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những phương án cụ thể theo hướng luân phiên quản lý. Ví dụ như tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý thời gian đầu và phải ban hành giá vé. Trước khi ban hành, có sự thống nhất với Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng trên cơ sở đồng thuận của hai bên.”
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế, nêu rõ: “Hai địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, trùng tu, bảo tồn để di tích xứng đáng với giá trị di tích lịch sử. Đồng thời, tạo nên một điểm đến cho du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt hơn nữa là tạo nên một giá trị, biểu tượng hợp tác của hai địa phương thời gian tới.”
Việc Di tích Hải Vân Quan được bảo tồn, tu bổ sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch miền Trung, một điểm dừng chân không thể thiếu của du khách trên “Con đường di sản miền Trung”.