Gìn giữ văn hóa dân tộc từ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ở Sìn Hồ, Lai Châu

Chèo Thu/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

(VOV5) - Việc thành lập các câu lạc bộ  giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tại huyện Sìn Hồ đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào. 

Cộng đồng 14 dân tộc ở huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, có một kho tàng văn hóa phong phú với các tập tục sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian truyền thống, những câu truyện cổ tích, sử thi,  những câu hát dân ca, dân vũ say đắm lòng người. Việc thành lập các câu lạc bộ  giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tại huyện Sìn Hồ đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bà Tẩn San Chiêm ở bản Gàng Lân, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, là hội viên câu lạc bộ bảo tồn văn hóa người Dao. Sinh hoạt trong câu lạc bộ, bà được học và  hiểu hơn về các nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc mình như: lễ cấp sắc, lễ mở đàn tế các thần linh, lễ cầu an đầu năm, lễ cúng cơm… Đặc biệt, bà và chị em còn luyện cho nhau hát dân ca, dân vũ, dạy nhau thêu thùa các bộ trang phục truyền thống theo các mẫu mã đẹp hơn: “ Từ xa xưa những bài hát dân ca Dao chỉ được sáng tác và thể hiện một cách ngẫu hứng thôi, chị em phụ nữ Dao thì hay e dè thể hiện chốn đông người, cùng với đó là sự giao thoa nhiều luồng văn hoá cho nên nhiều lớp trẻ không còn biết hát dân ca Dao. Khi thành lập câu lạc bộ gìn giữ văn hoá  dân tộc người Dao thì tôi cùng nhiều chị em tham gia. Trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chị em thường dắt theo con nhỏ và mang theo vải thổ cẩm để khi mẹ luyện hát thì con cũng luyện hát theo, miệng thì hát nhưng tay vẫn chỉ cho nhau làm sao thêu được bộ trang phục đẹp của dân tộc mình”

Gìn giữ văn hóa dân tộc từ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ở Sìn Hồ, Lai Châu - ảnh 1 Câu lạc bộ Dao tham gia hội thi.

Từ năm 2016, các cấp Hội phụ nữ huyện Sìn Hồ cũng  tập trung duy trì, phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hướng dẫn đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thông qua hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc. Các câu lạc bộ ngày càng có nhiều hội viên là phụ nữ tham gia. Như xã Tả Phìn có đến 75% là đồng bào Dao, với gần 3.000 nhân khẩu thì có tới gần 100 chị em phụ nữ Dao tham gia sinh hoạt thường xuyên trong câu lạc bộ. Các câu lạc bộ đã mở nhiều đợt truyền dạy hát dân ca, dân vũ, thêu thùa, đồng thời tổ chức nhiều cuộc giao lưu dân ca quy mô đơn vị dân cư đến liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Chị Tẩn Mý Chài, chủ nhiệm câu lạc bộ người Dao giữ gìn văn hoá dân tộc xã Tả Phìn, cho biết thêm: “ Khi câu lạc bộ được thành lập được sự hưởng ứng rất cao của nhiều chị em phụ nữ Dao, bởi chi em rất yêu văn hoá phong tục của dân tộc mình. Mỗi dịp có các cuộc giao lưu là chị em lại nhiệt tình tham gia và đạt nhiều giải cao. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kết nạp thêm hội viên là anh em trai, các cháu nhỏ, nhất là những người già am hiểu về ngôn ngữ chữ nôm Dao của dân tộc mình để truyền dạy cho lớp con cháu mai sau. Để duy trì hoạt động của câu lạc bộ có hiệu quả, trong thời gian tới chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho câu lạc bộ mở những lớp dạy chữ nôm Dao”

 

Gìn giữ văn hóa dân tộc từ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ở Sìn Hồ, Lai Châu - ảnh 2 Chị em phụ nữ Dao tham gia hát dân ca trong buổi truyền thông.

Đến nay huyện Sìn Hồ đã phát triển được 4 câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc tại xã Sà Dề Phìn, xã Nặm Tăm, Thị trấn và  xã Tả Phìn. Đây là các xã có đông đồng bào Dao, Mông, Thái sinh sống. Với nhiều hoạt động, các câu lạc bộ đã góp phần vào việc duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Về hướng tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc, Bà Chẻo Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sìn Hồ, cho biết:“Tổ chức sinh hoạt bằng cách ngồi thêu với nhau để chia sẻ cách làm trang phục hoặc tổ chức các buổi  sinh hoạt bằng các hình thức văn hoá văn nghệ rất ý nghĩa. Chúng tôi có định hướng cho cơ sở giữ gìn trang phục dân tộc làm sao giúp cho lớp trẻ biết làm được bộ trang phục của dân tộc, hiểu được ý nghĩa của nó ra làm sao. Định hướng cho cơ sở dạy con mình biết nói tiếng dân tộc để giữ gìn tiếng nói, bảo tồn được phong tục tập quán văn hoá của dân tộc mình”.

Thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ở vùng cao Sìn Hồ chính là cách làm hiệu quả để giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu