Dân tộc Dao ở tỉnh Lào Cai có nhiều phong tục lạ và lễ hội độc đáo. Lễ mở cửa rừng (Khoi Kìm) của người Dao ở làng Chành, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, ẩn chứa nhiều điều thú vị bên trong.
Lễ cúng rừng cảu người Dao Tuyển - Ảnh: dulichsapa365.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để chuẩn bị cho lễ cúng mở cửa rừng, các gia đình ở làng Chành phải dọn dẹp nhà, sửa soạn bàn thờ tổ tiên từ hôm trước và chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất tham dự lễ.
Lễ Mở cửa rừng gồm 2 phần: phần lễ và phần hội, thường được tổ chức ở khu rừng cấm của làng vào mỗi dịp đầu Xuân. Mở đầu là lễ cúng cây bố và cây mẹ. Thầy cúng xin phép thần linh ma gốc cây, tổ tiên, hôm nay là ngày lành tháng tháng tốt dân làng có rượu thịt, hương hoa tốt để dâng lên các ngài để mở cửa rừng. Thầy cúng với bộ quần áo dài mầu vàng, trên áo có những nét hoa văn của dân tộc Dao, đội trên đầu chiếc mũ vẽ hình con hổ, dẫn đầu đoàn người. Đi sau là đoàn dân làng bưng các sản vật mâm xôi, gà, rượu, bánh mật… đã được chuẩn bị sẵn từ hôm trước. Ông Triệu Tiến Hương, thầy cúng của làng Chành, cho biết: "Ma gốc cây là tổ tiên của làng . Mỗi hộ trong làng sẽ có một người già nhất và người già này sau khi mất sẽ được đưa vào trong gốc cây đó để thờ và cùng phù hộ chung cho làng xóm mình ấm no, mưa thuận gió hòa. Lễ này khi làm nhắc nhở dân làng phải kiêng từ 5-7 ngày không cho phép ai vào chặt phá rừng".
Lễ vật được rước đến dưới 2 gốc cây đại cổ thụ tại khu rừng cấm của làng. Thầy cúng đỡ những mâm cúng trên đầu từ những nam thanh nữ tú đặt vào miếu trước cây. Thay mặt bà con dân làng, thầy cúng bắt đầu cúng với những đoạn khấn có nội dung cầu mong thần rừng che chở giúp dân làng có một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà có cuộc sống no ấm bình an.
Người Dao Tuyển bưng lễ vật đi cúng rừng - Ảnh: dulichsapa365.vn
|
Am hiểu tận tường về lễ Khoi Kìm của dân tộc mình, ông Triệu Tiến Bảo, ở làng Chành, cho biết: "Rừng rất quan trọng, rừng có lợi ích rất nhiều, có cây cối để bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, thu hoạch gỗ rồi có nhiều lợi ích rất thiết thực. Truyền thống của làng là 3 năm cúng rừng 1 lần. Chúng tôi làm lễ Khoi Kìm, lễ cúng tế các thần linh, thần rừng, thần núi, thần sông nước… cầu mong phù hộ độ trì cho người dân có cuộc sống ngày càng đầm ấm yên vui".
Sau phần lễ, bà con dân làng cùng ký cam kết bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh trên những mảnh vườn, triền đồi và cùng thưởng thức bữa ăn chung. Ngoài phần rựơu, thịt dâng lễ, tất cả các gia đình đều mang thêm đồ ăn thức uống để góp. Sau đó, bà con dân làng cùng các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc như: bịt mắt bắt dê, ném còn, đu quay, đẩy gậy, múa gậy, bắn nỏ,hát giao duyên. Ông Triệu Tiến Bảo cho rằng có lễ mở cửa rừng, đồng bào thêm tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp và thuận lợi trong công việc làm ăn. Sau mỗi lần tổ chức cúng tế thần rừng, mỗi người tự ý thức được trách nhiệm, tự bảo vệ rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng bảo vệ nguồn nước, không còn tình trạng sử dụng nguồn nước không hợp lý, bảo vệ môi trường ngày càng trong sạch hơn.
Lễ mở cửa rừng của đồng bào làng Chành ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống mang tính tập thể, cộng đồng và tăng cường gắn kết cộng đồng. Cho đến nay, lễ mở của rừng của đồng bào Dao vẫn được giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, nhiều làng, bản của đồng bào dân tộc ở Lào Cai có khu rừng cấm. Rừng cấm là khu rừng chung của cả làng, mọi người đều phải tự giác bảo vệ, không được chặt phá. Việc xây dựng những khu rừng cấm vừa mang lại giá trị về mặt sinh thái vừa có ý nghĩa giáo dục lớp cháu con giữ gìn phong tục của cha ông, bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống no ấm.